Đến bữa ăn lại ám ảnh vì… khó nuốt

26/07/2024 - 06:40

PNO - Giờ nghỉ trưa, anh T.H.M. - 35 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai - không vội mang cơm ra ăn, mà chờ đồng nghiệp lần lượt đi ra ngoài mới bắt đầu dùng bữa. Sở dĩ anh mất tự tin là vì bữa ăn của anh kéo dài rất lâu.

“Trước đây, tôi ăn uống bình thường nhưng 2 năm nay, tôi khó nuốt nên phải nhai kỹ và ăn từng chút một. Tôi phải ngồi nhai hơn 30 phút, nếu không sẽ bị mắc nghẹn” - anh chia sẻ. Có lần, anh cố ăn nhanh nhưng bị ho sặc sụa bởi thức ăn “dội ngược” lên mũi. Sau đó, anh đã đến Bệnh viện Đại học y dược TPHCM khám.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học y dược TPHCM nội soi tai mũi họng tại giường cho bệnh nhân
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học y dược TPHCM nội soi tai mũi họng cho bệnh nhân

Gần đây, bà P.T.T.D. - 68 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM - thường lén con gái đổ bỏ sữa, thức ăn. Chỉ trong 1 tuần, do không ăn uống, bà D. thường xuyên nhức đầu, chóng mặt, sụt hơn 3kg. Các thành viên trong gia đình mua thêm thức ăn, chưng yến… thì bà lén đem cho hàng xóm, hoặc bỏ đi. Đến khi con gái nấu cháo thịt bằm với rau củ đút cho bà ăn, thì bà khóc. “Ban đầu, tôi tưởng mẹ đổi tính nên khó khăn. Sau đó, lại nghĩ mẹ bị sa sút trí tuệ, cho đến khi hỏi mãi thì mẹ cho biết mình không nuốt được” - con gái bà D. chia sẻ. Chị bèn đưa bà đến bệnh viện thăm khám. Qua chẩn đoán, bác sĩ cho biết bà mắc chứng khó nuốt nặng. Mỗi lần nuốt, thay vì đồ ăn trôi xuống dạ dày thì kẹt lại ở thực quản, gây cảm giác vướng, tức cổ họng, viêm niêm mạc, đau nhức. Những cơn nghẹn thức ăn làm bà khó thở, nên sợ hãi dẫn đến nhịn ăn. Bác sĩ đã tư vấn, tập cho bà D. ăn đồ xay nhuyễn, chia nhỏ bữa ăn… Qua 3 tuần điều trị, bà D. đã đỡ sợ ăn hơn, sức khỏe dần ổn định.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Loan (Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM) cho biết, hiện nay rối loạn nuốt (hay còn gọi là khó nuốt) rất thường gặp. Khó nuốt gây khó khăn trong ăn uống. Có người hoang mang vì không xác định được thức ăn đang ở đâu, cũng có người cảm nhận rõ vị trí bị nghẹn ở vùng họng, cổ, sau xương ức…

Nặng hơn, sau khi nuốt, thức ăn vẫn còn trong khoang miệng, hay rải rác ở vùng thực quản, làm cho bệnh nhân mệt mỏi vì phải cố gắng nuốt thêm nhiều lần nữa. Một số người còn cảm thấy sợ hãi khi vừa nuốt vào, thức ăn lại trào qua đường mũi. Thức ăn nếu “chui” vào đường thở, gây ho, sặc, nặng hơn là suy hô hấp.

Theo bác sĩ Hồng Loan, ngoài nguyên nhân sự lão hóa làm suy giảm chức năng liên quan đến ăn uống, bệnh nhân bị ung thư vùng đầu, cổ thì rối loạn nuốt có thể chia thành 2 nhóm: rối loạn vận động trong quá trình nuốt, thường gặp ở những bệnh nhân đột quỵ, chấn thương não nặng, u não, mắc bệnh Parkinson, đa xơ cứng, viêm cơ, co thắt tâm vị, rối loạn vận động thực quản…; bị tắc nghẽn đường tiêu hóa có thể ở khoang miệng, vùng họng, thực quản (những tắc nghẽn này có thể gặp khi bệnh nhân bị viêm loét vùng họng, thực quản, túi thừa thực quản, chít hẹp vùng họng, thực quản…), hay tắc nghẽn do khối u gây ra.

Tùy vào triệu chứng, bệnh sử của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi vùng họng, thực quản; siêu âm cổ hay chụp CT, MRI vùng đầu cổ… để xác định nguyên nhân và lên kế hoạch điều trị. Người bệnh rối loạn nuốt nên ăn thức ăn mềm, được cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn; không ăn thức ăn khô, cứng, ăn uống khi tỉnh táo, tập trung nhai kỹ, ăn chậm từng muỗng nhỏ…

Những người bệnh bị rối loạn nuốt “thầm lặng”, hoặc đã được chẩn đoán nhưng không điều trị, về lâu dài có thể rơi vào thiếu nước, mất nước, suy dinh dưỡng, hay tắc nghẽn đường thở, viêm phổi hít, làm tăng nguy cơ bệnh tật, thậm chí tử vong.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI