Đến bảo tàng nghe hòa nhạc

02/03/2023 - 08:22

PNO - Hòa nhạc tại bảo tàng, một sinh hoạt văn hóa đã trở thành phổ biến ở các nước thì tại Việt Nam vẫn là điều gì đó xa xỉ.

Buổi hòa nhạc đặc biệt
Sân vườn Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) không còn một chỗ trống trong ngày diễn ra chuỗi hòa nhạc cổ điển số 2 với chủ đề Xuân (26/2). 11 nghệ sĩ góp mặt thăng hoa, tận hiến trong một không gian mở hoàn toàn: Lê Thư Hương (sáo); Hoàng Hồ Thư, Lê Phong Lan, Lâm Đức Chính (piano); Trịnh Minh Hiền, Hoàng Hồ Khánh Vân (violin); Trần Thắng, Trần Hải (guitar); Lê Duy Mạnh (saxophone)…

Bảo tàng mở cửa tự do, như một lời tri ân tới công chúng yêu bảo tàng nói riêng và nghệ thuật nói chung. Trong không khí se lạnh những ngày cuối xuân của Hà Nội, nhiều bản nhạc (của thế giới lẫn Việt Nam) được chuyển soạn vang lên: độc tấu violin Tiến quân ca (nhạc sĩ Văn Cao); Khúc Habanera, trích nhạc kịch Carmen (Georges Bizet); Songs my Mother taught me (Những ca khúc mẹ đã dạy tôi, Antonín Dvořák); Salut D’Amour (Edward Elgar); Chiếc khăn piêu (Doãn Nho); Diễm xưa (Trịnh Công Sơn)… Khán giả già trẻ, lớn bé tất cả đắm mình trong không gian âm nhạc. 

Sự kiện tại  Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu hút nhiều  đối tượng khán giả đến nghe ẢNH:  BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM
Sự kiện tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu hút nhiều đối tượng khán giả đến nghe Ảnh: ảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Cũng là lần đầu tiên, fanpage của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhận cơn mưa lời khen như vậy. Những lời cảm ơn về buổi hòa nhạc ngoài trời và lời hỏi han về chương trình tiếp theo. Thậm chí, sự kiện có sức lan tỏa đến nỗi, một vài bảo tàng khác cũng đang ấp ủ dự định đưa mô hình này về thực hiện tại đơn vị mình. Trước sự kiện này, vào tháng Mười một năm ngoái, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng từng gây ấn tượng khi tổ chức chương trình hòa nhạc đặc biệt mang tên Giai điệu mùa thu.

Trên thế giới, việc tổ chức các chương trình âm nhạc nói chung và hòa nhạc nói riêng tại bảo tàng là truyền thống mà nhiều quốc gia vẫn thực hiện. Thậm chí, người ta còn tổ chức một cách thường xuyên và không quên nhắn khán giả mang theo ghế hoặc mền để trải trên cỏ, nhằm tận hưởng những giai điệu ngoài trời. Một số nơi còn mang hòa nhạc vào phòng trưng bày nhằm khám phá mối liên kết kỳ lạ giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác… 

Một số bảo tàng khác nữa thì hợp tác thêm với các vũ đoàn và nghệ sĩ biểu diễn để mang lại sự chuyển động mới mẻ, tạo thêm sinh khí mới. Có thể nói, hoạt động của bảo tàng hết sức đa dạng, phong phú và sống động; chứ không đơn thuần gói gọn trong việc “sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng” (theo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định).

Quan niệm mới về bảo tàng

Nhận thức bảo tàng hiện đại phải tìm đến công chúng đã làm thay đổi nhiều cách tổ chức hoạt động của bảo tàng so với thời trước. Tuy nhiên, ở nước ta, những năm qua, hoạt động bảo tàng vẫn khá trì trệ, chưa phát huy hết được giá trị; vẫn còn nặng tính tuyên truyền, thiếu tương tác và chưa đề cao vai trò của công chúng, của cộng đồng. Trừ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TPHCM), nhiều bảo tàng ở ta gần như trở thành “nhà kho”, vắng vẻ, chỉ nhộn nhịp và có khách nhân dịp lễ kỷ niệm nào đó. Trong danh sách xếp hạng những bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới, Việt Nam chưa bao giờ được nhắc đến.

Ở nước ta, việc đưa các loại hình nghệ thuật khác (các loại hình nghệ thuật truyền thống, âm nhạc, nghệ thuật đương đại, điện ảnh…) vào không gian bảo tàng vẫn hết sức hạn chế. Nói riêng về hòa nhạc, ngoài Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thử điểm danh một lượt, (cả bảo tàng công lẫn tư nhân, cả bán vé lẫn mở cửa tự do), cũng chỉ có thể kể ra được vài chương trình: hòa nhạc Ánh sáng phương Bắc tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ TPHCM (năm 2016); hòa nhạc Ánh trăng tại LYTHI Salon, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TPHCM, 2022); hòa nhạc cổ điển Cảm hứng Chiềng Đi tại Bảo tàng Thế giới cà phê (1/2023, Đắk Lắk)… 

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có hơn 160 bảo tàng (cả công lập lẫn ngoài công lập). Tất nhiên, để tất cả bảo tàng đó đưa các loại hình nghệ thuật khác vào không gian bảo tàng là điều quá xa xỉ trong bối cảnh Việt Nam; song từ đó cũng cho thấy, sinh hoạt của bảo tàng ở nước ta nhiều năm qua buồn tẻ, đơn điệu ra sao. 

Cần có một quan niệm mới về bảo tàng hiện đại. Trong đó, lưu ý đến công chúng đương đại - một thành tố quyết định sự sống còn của bảo tàng hôm nay, để làm sao có thể thỏa mãn những nhu cầu đa dạng của họ. Cùng với sự lên ngôi của nhiều hình thức nghe - xem - đọc giải trí, nếu những người làm quản lý văn hóa, những người làm bảo tàng không thay đổi tư duy và bảo tàng không đổi mới phương thức, không đa dạng hóa  hoạt động, việc mất dần công chúng là điều sẽ xảy ra trong tương lai gần. 

Minh Thiện

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI