Những đứa trẻ lớn lên thời của tôi thường kháo nhau rằng: “Mọi đứa trẻ Việt Nam đều ăn cơm với... con thằn lằn”. Câu nói đó “ám chỉ” việc phụ huynh nông thôn cứ đến bữa lại bồng con đi quanh nhà, tay vừa chỉ lên tường nhà nói “ô con thằn lằn kìa”, vừa... nhét muỗng cơm vào miệng đứa trẻ.
Nhưng, đó chỉ là đúc kết của bọn trẻ thời đó, ở vùng nông thôn. Lúc ấy, chúng không biết rằng sau này, ở mọi miền, trẻ em còn ăn cơm với... thú nhún, với xe buýt, thậm chí với cú đấm, cái tát.
|
Trẻ bị ép ăn ở nhóm trẻ tự phát tại P.17, Q.Gò Vấp |
“Bữa cơm huyền thoại”
Vụ nhiều bé ở một điểm giữ trẻ tại TP.HCM bị đánh đập vừa lan truyền trên báo mạng và mạng xã hội hôm qua đã dấy lên bao nỗi bức xúc, căm phẫn. Bài báo đăng kèm video gồm những phân đoạn đút ăn - bạo hành của hai bảo mẫu với nhiều trẻ hai-ba tuổi; cứ đút một muỗng, bảo mẫu lại đánh trẻ một cái.
Với một chén cơm trên tay bảo mẫu, đứa trẻ phải chịu rất nhiều cái tát vào mặt, cú đánh vào đầu, vào chân. Những đứa trẻ còn lại vẫn vui vẻ nhảy nhót như đã quá quen hoặc chẳng sợ những gì đang diễn ra trước mắt. Đứa trẻ đang “bị ăn” khóc ngất, rồi ngưng khóc bằng một muỗng cơm to được nhét vào miệng, rồi hoặc vật vã nuốt xuống, hoặc ói ra, rồi lại bị đánh tiếp...
Cư dân mạng đang cuồn cuộn phẫn nộ, rầm rộ “đề nghị cơ quan chức năng xử lý nặng”, thậm chí đòi “tìm diệt” hai bảo mẫu. Nhưng, cảnh tượng không biết nên gọi là “đút ăn” hay là “bạo hành” ấy lại khiến tôi nhớ đến “những bữa cơm huyền thoại” của trẻ con mà mình từng chứng kiến. Gọi đó là “bữa cơm huyền thoại”, là bởi tính lâu đời và hiển nhiên được chấp nhận của nó. Nó không hề xa lạ. Nó không chỉ đến từ những kẻ “độc ác”, “máu lạnh”. Nó đôi khi lại được tạo ra bởi chính những bậc phụ huynh vốn cũng rất yêu thương con mình.
Ở cấp độ thấp nhất và phổ biến nhất, những đứa trẻ hiện đại thường được “kèm” ăn bởi điện thoại, máy tính bảng. Trẻ cứ cắm cúi nhìn vào màn hình phẳng, phụ huynh hoặc bảo mẫu chỉ cần ngồi cạnh, canh chừng lúc trẻ chăm chú nhất mà đút muỗng cơm vào miệng.
Tôi từng chứng kiến một người mẹ trẻ cho đứa con trai chừng ba tuổi ăn cơm ngay trên xe buýt. Tôi tỏ vẻ thắc mắc, chị giải thích rằng thằng bé thích đi xe buýt mà lại làm biếng ăn cơm, nên chiều nào chị cũng chọn tuyến xe vắng khách nhất mà bế con lên xe buýt, cho ăn cơm.
Cùng cảnh ngộ, rất nhiều phụ huynh phải chấp nhận hy sinh đồ đạc trong gia đình để con được ăn một bữa “trọn vẹn”. Cũng là chiếc ti vi, máy cát-xét, nhưng đến bữa ăn của con, nó lại được mở lên bật xuống liên tục chỉ để đưa được từng muỗng cơm vào miệng trẻ. Bên cạnh cái ti vi đó, lắm khi còn có một cây roi. Người mẹ đập roi xuống đất, chỉ vào mặt con, nghiến răng: “Nhai!”. Đứa trẻ mếu máo nhai. Đến chừng đã đủ thời gian để nhai, người mẹ lại quất roi lần nữa: “Nuốt!”. Đứa trẻ khổ sở nuốt.
Đó là khi đứa trẻ chịu “nhai, nuốt theo mệnh lệnh”, bằng không, trẻ bị quất roi, đánh mắng là… bình thường. Cứ thế, bữa cơm nào không đẫm nước mắt của con trẻ thì cũng đầm đìa mồ hôi của phụ huynh.
Dinh dưỡng từ... nước mắt
Thế nhưng, đâu chỉ con trẻ bị o ép, bạo hành vì bữa ăn. Ở vai “phản diện”, phụ huynh còn khổ sở, stress hơn nhiều. Hễ con biếng ăn là mẹ stress. Thời gian chăm con hầu như hết quá nửa là dành cho việc lo cho việc ăn mà trong đó, người mẹ lại dành hết chín phần năng lượng cho việc dỗ dành, thúc ép con ăn.
Khi được hỏi “ép con ăn để làm gì”, một bà mẹ trẻ ở phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM cho rằng: “Trẻ sẽ không ăn nếu không bị ép”. Nhiều bà mẹ còn quả quyết rằng “con trẻ chỉ ăn theo sở thích, việc của cha mẹ là phải ép trẻ ăn những món còn lại để đủ dinh dưỡng”.
Theo phương pháp dạy con được cập nhật từ các nước tiên tiến, tất cả các món ăn thường được bày cẩn thận trên bàn. “Dụng cụ” là bàn tay thật sạch, bọn trẻ tự bốc ăn những món mình thích và kết thúc bữa ăn khi mặt mũi lấm lem, phần thức ăn còn lại thì tung tóe. Còn với trẻ con xứ mình, bữa ăn thường kết thúc bằng nước mắt.
Rồi tất cả những đứa trẻ ở những nền văn hóa khác nhau đều lớn lên. Và ăn uống là một nhu cầu bản năng, chứ không phải là nghĩa vụ. Nước mắt trong bữa cơm có giá trị dinh dưỡng gì, ngoài việc khiến cho bọn trẻ lầm tưởng rằng ăn uống là một nghĩa vụ?
Biết vậy, nhưng văn hóa bảo bọc không cho phép phụ huynh tin vào cảm nhận của con với nhu cầu của chính nó. Con trẻ phải ăn không phải vì nhu cầu cần phải ăn, mà vì bị ép. Đã vậy, người mẹ ép con ăn không chỉ để con được no, được khỏe mạnh, mà còn vì những sức ép vô hình khác.
Tôi thường xuyên nghe những bà mẹ trẻ than phiền “con gầy quá, không dám dắt đi đâu”. Thậm chí, cứ gần đến dịp phải dắt con gặp gỡ họ hàng, bè bạn, các ông bố bà mẹ lại tăng cường ép con ăn. Tất cả những biểu hiện ấy đều rất phổ biến và dễ dàng được cảm thông. Rất nhiều đứa trẻ lớn lên bằng những bữa cơm đầy nước mắt và lằn roi như thế. Nhưng, nguồn cơn của chúng lại không thuộc về những điều đang được ta thông cảm.
Không thể phủ định tiếng nói của dư luận trong việc thúc đẩy quy trình điều tra, xử lý những vụ việc bạo hành trẻ. Nhưng, chính sự cuồng nộ ấy lại khiến người ta dễ dàng “hả dạ” khi thủ phạm bị đưa ra pháp luật. Rồi “sự kiện kinh hoàng” lại chìm vào quên lãng, như một lời cảnh báo đã chìm vào thinh không.
Trong khi, riêng ở cách giải quyết áp lực “cho trẻ ăn” bằng bạo lực, những con người được cho là nhẫn tâm ấy chỉ là những nhân vật trung gian: họ mang nỗi áp lực lâu đời này trút lên những đứa trẻ.
Đến bao giờ trẻ con xứ mình mới có được một giờ ăn trọn vẹn chứ không phải đính kèm cùng giờ chơi, giờ… bị phạt? Bao giờ bọn trẻ mới được lớn lên bằng chính cảm nhận, lựa chọn của mình?
Trẻ bị ép ăn sẽ không thích ăn. Trường hợp bé bị ép đến mức hoảng loạn, vừa ăn vừa khóc, nuốt vội dễ bị hóc sặc thức ăn nguy hiểm. Đã có không ít trường hợp bé nuốt vội bị hóc sặc, thức ăn gây nghẹt đường thở phải nhập viện, có trường hợp tử vong, cũng có trường hợp cứu được nhưng bé bị di chứng não, cả đời tàn phế.
BS Đào Thị Yến Thủy
BV Hạnh phúc TP.HCM
|
Minh Trâm