Đến bao giờ, HS mới thôi làm 'chuột bạch'?

25/06/2014 - 18:24

PNO - PN - Ngừng chương trình Cambridge để nhường chỗ cho chương trình tiếng Anh tích hợp là vấn đề đang làm dư luận “sôi sục” trong mấy ngày qua.

edf40wrjww2tblPage:Content

Để giải tỏa những thắc mắc, ngờ vực của xã hội, sáng 23/6, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo Triển khai đề án Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học, tiếng Anh theo tiêu chuẩn tiên tiến. Gần 100 nhà báo đã tham dự buổi họp, đặt ra nhiều câu hỏi cho thấy sự quan tâm lớn của dư luận đối với vấn đề này.

Den bao gio, HS moi thoi lam 'chuot bach'?

Ông Lê Hồng Sơn - GĐ sở GD-ĐT TP.HCM trả lời các câu hỏi của PV các báo đặt ra sáng 23/6. Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Tại buổi họp báo, các nhà báo đã đặt vấn đề và… thất vọng trước những giải thích chỉ mang tính thông tin của ông Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn.

Cụ thể, ông Sơn đã khỏa lấp sự thật là: sở dĩ chương trình Cambridge phải ngừng vì Trung tâm Khảo thí quốc tế Cambridge (CIE) đã ngừng hợp đồng ủy quyền phân phối chương trình Cambridge tại Việt Nam cho Công ty EMG Education - đối tác trong việc triển khai chương trình Cambridge vào các trường phổ thông của Sở GD-ĐT; “quảng cáo” đánh bóng cho chương trình mới là đã được nghiên cứu từ ba năm trước; đảm bảo các yêu cầu tiên tiến, hiện đại và truyền thống văn hóa dân tộc; giúp giảm tải so với chương trình Cambridge và rộng đầu ra... Với cách thông tin đó, phụ huynh dễ hiểu lầm là chương trình tích hợp tốt hơn, ưu việt hơn chương trình Cambridge. Nhưng, cơ sở nào để chứng minh điều đó thì không thấy ông Sơn đề cập!

Kết quả (và có thể là hậu quả) là thứ mà phụ huynh cần phải được biết trước khi cho con em theo học một chương trình giáo dục nào đó. Thế nhưng trước câu hỏi: “Sở đã lường trước tác động của chương trình? Có dám chắc chương trình tích hợp là tốt hơn chương trình Cambridge?” thì đại diện Sở buông xuôi: “Để thời gian trả lời!”.

Đây là câu trả lời thể hiện một tư duy giáo dục hời hợt và thiếu trách nhiệm, như từ trước đến giờ ngành giáo dục vẫn làm: cứ triển khai dạy, còn học trò có tiếp thu được không và hiệu quả đến đâu là chuyện của... thì tương lai. Nó cũng tương tự việc cách đây bốn năm, khi Sở cổ động các trường phổ thông, các phòng giáo dục triển khai chương trình Cambridge mà không xem xét đến những ưu khuyết, tính bền vững và những tác động xấu khi nó bị “chết yểu” như những gì đang diễn ra. Đáng nói là dường như Sở GD- ĐT chẳng hề cảm thấy mình có lỗi trước một sự cố vô cùng nghiêm trọng: chương trình Cambridge bị ngừng.

Về chương trình Cambridge vừa bị ngừng, Sở GD-ĐT cho rằng, đây chỉ là chương trình “thí điểm”. Nói như thế là ngụy biện, bởi đã thí điểm thì phải nhằm đạt được điều gì, đạt được bao nhiêu phần trăm dẫn đến kết luận gì, và Sở đã có tổng kết đánh giá chưa…? Việc triển khai chương trình mới - tích hợp, cũng được Sở cho là “tiếp tục thí điểm chứ không phải đại trà”. “Thí điểm” nối tiếp “thí điểm” là sao? Liệu sẽ tiếp tục có một “thí điểm” khác tiếp theo... Đến bao giờ học sinh mới thôi làm “chuột bạch” cho các chương trình tùy hứng của những nhà quản lý giáo dục?

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI