Đến Bangkok, chồng tô 'mì Tượng đài chiến thắng'

04/08/2017 - 07:00

PNO - Bangkok còn có biệt danh “Venice phương Đông”. Tên gọi này xuất phát từ cách đây hơn 100 năm, vào khoảng thế kỷ XIX, thành phố này là mái nhà chung của một hệ thống kênh rạch chằng chịt........

Bangkok còn có biệt danh “Venice phương Đông”. Tên gọi này xuất phát từ cách đây hơn 100 năm, vào khoảng thế kỷ XIX, thành phố này là mái nhà chung của một hệ thống kênh rạch chằng chịt (trong ngôn ngữ bản địa là klong) nối những mái nhà, ngôi đền và điểm sinh hoạt cộng đồng với nhau.

Thời bấy giờ, số lượng chợ nổi vượt trội so với chợ trên đất liền. Và cũng từ những khu chợ nổi ấy, lịch sử của món mì thuyền (tên gọi tiếng Thái phiên âm là kuaitiao ruea) ra đời.

Den Bangkok, chong to 'mi Tuong dai chien thang'
 

Mì thuyền ra đời dưới thời Thủ tướng Plaek Phibunsongkhram, tức khoảng năm 1942, từ những quán ăn nổi trên kênh rạch Bangkok lúc bấy giờ. Vì tính linh động và không gian hạn chế của “hàng quán”, mỗi tiệm mì chỉ có một người làm nhiều công việc cùng một lúc: chèo thuyền, trụng mì, chan nước xúp, giao mì cho khách, thối tiền và rửa tô chén.

Đến thế kỷ XX, giao thông đường bộ phát triển. Đời sống sông nước dần mai một, nhưng mì thuyền vẫn còn đó, trở thành một “nhân vật” không thể thiếu trong thực đơn của các nhà hàng truyền thống, đặc biệt là các nhà hàng ven sông.

Giữa một thành phố náo nhiệt và “cái gì cũng có” như Bangkok, không khó để tìm một nơi bán mì thuyền. Nhưng muốn ăn mì đúng chuẩn chợ nổi ngày xưa, chỉ có thể là mì thuyền Tượng đài Chiến thắng (Victory Monument, tiếng Thái là Anusawari Chai Samoraphum). 

Để đến với tiệm mì thuyền trứ danh đất Bangkok, bạn cần đến trạm tàu điện MRT, tìm tuyến đến trạm Victory Monument (Anusawari) và… leo lên tàu mà đi thôi. Đến nơi, hãy đi xuống phía dưới và quán mì nằm ngay chân cầu thang, đông đúc, rất bình dân, dễ nhận biết. 

Một tô mì thuyền gồm những vắt mì gạo (senek) hoặc mì vàng (ba mee) nhỏ xíu, thêm vài lát thịt heo, nước xúp tom yam truyền thống. Tùy khẩu vị và sở thích mà thực khách có thể tự do lựa chọn thịt bò, thịt lợn hay cá viên, cuối cùng là một ít hành lá rải đều trên mặt. 

Nhưng nếu mọi thứ chỉ dừng ở đây thì món ăn này cũng chẳng đặc sắc đến độ người bán phải thoăn thoắt đôi tay không ngưng nghỉ từ lúc mở cửa đến chập tối. Công thức quan trọng nhất, quyết định sức hút khó cưỡng của mì thuyền nằm ở một ít tiết lợn tươi trong nước dùng.

Được chan ở đáy mỗi tô mì, phần tiết lợn tươi này sẽ chín ngay lập tức khi người bán chan nước xúp nóng vào, hòa trong nước dùng nên không gây tanh mà lại còn mang đến hương vị đậm đà khó tìm thấy ở một món mì nào trên thế giới. Thực khách có thể tạo hương vị riêng phù hợp với khẩu vị của mình với một ít giấm ớt, ớt bột hay nước mắm - được bày sẵn trên bàn. 

Một điểm thú vị không kém về món ăn này nằm ở chiếc bát nhỏ xinh. Nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt là người Việt, đều thắc mắc vì sao không đựng mì trong một chiếc bát to hơn, người ăn “đã”, người bán lại không phải mắc công rửa nhiều bát. Trở về với thời chợ nổi khi xưa, nếu bát đựng mì quá lớn, việc đưa cho khách trên bờ hoặc ở thuyền khác sẽ rất khó khăn, đôi khi sẽ bị đổ hết ra ngoài.

Chính vì thế, người bán đã nghĩ đến việc sử dụng những chiếc bát có kích thước nhỏ hơn, miệng rộng, đáy nông, vừa tiện lợi cho việc mua bán, lại vừa “an toàn” cho cả người bán và người mua. 

Và bất ngờ thay, sự sáng tạo cho phù hợp với đời sống thời xưa lại trở thành một thú vui ăn uống trong thời hiện đại. Đến với tiệm mì thuyền Tượng đài Chiến thắng, bạn sẽ thấy trước mặt mỗi thực khách một chồng bát xếp lên nhau, bởi lượng mì và nước dùng trong mỗi bát rất ít, chỉ gắp hai-ba đũa là hết veo! Với giá chỉ 10-12 baht (7.000-8.000 đồng/bát, thực khách nào chạm mốc 10 bát sẽ được phần thưởng là… một chai nước ngọt miễn phí. 

Cứ như thế, chẳng biết từ khi nào, du khách đến đây đều thi nhau… chồng tô rồi chụp ảnh, như một cách check-in đầy thú vị nhưng vẫn đậm chất văn hóa. 

 Vĩnh Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI