Đến An Giang ghé "Chùa bánh xèo"

13/11/2020 - 06:43

PNO - Mỗi ngày, chùa cung cấp miễn phí hàng ngàn chiếc bánh xèo chay cho du khách và người lao động quanh đó.

Chùa bánh xèo có tên gọi chính thức là Thiền viện Đông Lai hay chùa Phật nằm, tọa lạc tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Tên gọi "Chùa bánh xèo" xuất phát từ việc hơn 10 năm nay, tất cả khách viếng chùa, nếu muốn đều có thể thoải mái thưởng thức bánh xèo chay miễn phí.

Chùa được xây dựng theo kiến trúc thiền viện.
Chùa được xây dựng theo kiến trúc thiền viện

Để đến Chùa bánh xèo, từ trung tâm TPHCM, xe chúng tôi di chuyển về thành phố Châu Đốc, sau đó, đi tiếp theo QL91C và QL91. Nếu sợ lạc đường, bạn có thể tham khảo Google Maps hay hỏi người dân địa phương. Nếu đi xe khách, khi đến Châu Đốc, bạn có thể gọi xe ôm đến chùa.

Thiền viện Đông Lai nằm dưới chân núi Cậu và được xây dựng theo kiến trúc phái thiền Trúc Lâm. Theo lời anh Vinh, hướng dẫn viên (kiêm người nhà), thiền viện được xây dựng từ năm 1999, do Hòa thượng Thích Thiện Chí làm trụ trì. Ban đầu, sư thầy trong chùa đổ bánh xèo để chiêu đãi phật tử viếng chùa, người nghèo và dân lao động quanh đó. Sau, nhiều người nghe tiếng tìm đến nên hiện mọi khách viếng chùa, nếu muốn đều có thể thưởng thức bánh xèo miễn phí.

Khu vực thưởng thức bánh xèo thuộc dãy nhà sau của chùa, nơi có khoảng 20 chiếc bàn inox, một chiếc tủ đựng rau, những chồng đĩa nhựa (và một người "quản lý" tủ - người phụ xếp rau, xếp đĩa). Khách sau khi vãn cảnh chùa, muốn thưởng thức bánh xèo, có thể bước sang khu vực này, lấy đĩa, đứng xếp hàng gần giàn bếp, đầu bếp sẽ cho bánh chín nóng hổi vào đĩa. Sau khi có bánh, mỗi người tự tìm chỗ ngồi, tự phục vụ rau, nước mắm, nước uống.

Khi tôi đến, có khoảng 2 giàn bếp đất nung xếp thành hình bán nguyệt (khoảng 30 khuôn) do ba người đàn ông đứng bếp đang đỏ lửa. Bánh xèo tại đây là bánh xèo kiểu miền Nam, được đổ trong chảo gang.

Bột bánh xèo được làm từ bột gạo pha nước dừa. Nhân bánh tùy thời điểm sẽ được thêm một vài đặc sản (như bông điên điển mùa nước nổi), còn thường sẽ có đậu xanh nguyên hạt, tàu hũ, giá đỗ, có thêm nấm mèo, củ sắn xắt sợi… và rau sống ăn kèm. Theo người tình nguyện khu vực tủ rau, tất cả nguyên liệu của món ăn đều do người dân và phật tử mang đến.

Bánh xèo tại đây được phục vụ miễn phí nên còn được gọi là bánh xèo chùa.
Bánh xèo tại đây được phục vụ miễn phí nên còn được gọi là bánh xèo "chùa"
Giàn
Tùy theo lượt khách mà số giàn bếp nung hình bán nguyệt đổ bánh xèo sẽ đỏ lửa tương ứng

Một người thanh niên đổ bánh tại chùa cho biết, lượng khách đến chùa ít hay nhiều dao động theo các thứ trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Sáu có ít người viếng chùa hơn cuối tuần); theo tháng (tháng Tám sẽ nhiều khách hơn tháng Chín). Khi nào nhiều khách viếng, 4 giàn bếp sẽ đồng loạt nổi lửa. Những lúc đó, lượng bánh xèo có thể ra lò đến cả chục ngàn cái, nhưng cũng có lúc chỉ một giàn bếp hoạt động. Bánh xèo được đổ từ 7g30 - 19g và có khoảng 10 người tham gia đổ bánh tình nguyện.

"Mình tham gia đổ bánh xèo như một cách làm công đức nên không thấy nóng hay mệt mà ngược lại, mình cảm thấy khá vui và thanh thản", một trong những người tham gia đổ bánh xèo tại chùa - ông Nguyễn Văn Tâm (59 tuổi, nhà ở An Giang) chia sẻ.

Uyên Lâm
Ảnh: An Bùi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI