Câu chuyện cũ - cách nhìn mới
Vụ án Lệ Chi viên với án tru di tam tộc dành cho danh thần Nguyễn Trãi chắc chắn là vụ án nổi tiếng và thảm khốc bậc nhất lịch sử Việt Nam. Rất nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật đã lấy cảm hứng từ án oan này. Một câu chuyện tưởng như rất cũ với chừng ấy tình tiết còn lại trong sử sách, nhưng tác giả Võ Tử Uyên đã có cách kể chuyện mới cho Đêm trước ngày hoàng đạo.
|
Nguyễn Trãi (Minh Trường) và Nguyễn Thị Anh (NSƯT Thoại Mỹ) là hai nhân vật được xây dựng khá mới mẻ trong Đêm trước ngày hoàng đạo - ẢNH: N.L |
Không chọn cách kể chuyện truyền thống theo trình tự thời gian, mà thông qua chuỗi suy tưởng của hoàng tử Lê Tư Thành về vụ án Lệ Chi viên, người xem được dẫn dắt khám phá bí mật rợn người chốn cung đình, cũng như có cái nhìn đa chiều hơn về những nhân vật đã lưu danh thơm lẫn tiếng xấu muôn đời. Tác giả Võ Tử Uyên đã rất dụng công dựng nên diện mạo sinh động nhưng không hề khuôn sáo cho hai nhân vật Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Anh. Không hiện lên như một “vị thánh tỏa chiếu hào quang”, Nguyễn Trãi của Đêm trước ngày hoàng đạo rất “người”: vẫn có sai lầm, vẫn biết đau, biết khóc trước nỗi oan nghiệt ngã.
Tác giả Võ Tử Uyên cho biết, trong quá trình thai nghén và hoàn chỉnh tác phẩm, một lần xem trích đoạn dàn dựng cho Võ Minh Lâm dự thi giải thưởng Trần Hữu Trang (năm 2011), chị chợt nhận ra nhân vật của mình “không thật”. “Tôi cảm thấy mình đang thần thánh hóa nhân vật. Dù Nguyễn Trãi hay bất cứ vĩ nhân nào thì họ cũng là người, cũng có những nỗi niềm riêng, cũng có những thời khắc bất lực, sụp đổ, nên tôi không thể để Nguyễn Trãi ung dung ra pháp trường được…” - tác giả Võ Tử Uyên cho biết.
Đặc biệt, chi tiết Nguyễn Trãi nhìn nhận kết cục thảm khốc của mình là hậu quả của sự ngạo mạn, ngông cuồng, chỉ biết mình là bách tùng, không thèm để mắt đến những loài cỏ dại… thể hiện cái nhìn tinh tế của tác giả (mà hiếm người đề cập, dù dễ dàng nhận ra qua các trước tác ngài để lại).
Thần phi Nguyễn Thị Anh cũng không phải là “kẻ ác thuần túy”. Đạo diễn Hoa Hạ và NSƯT Thoại Mỹ đặc biệt đào sâu lý giải nguyên nhân đưa đẩy Nguyễn Thị Anh từ một người đàn bà tài sắc hơn người, yêu chồng, thương con, lại dần đánh mất chính mình mà nhúng tay vào tội ác khủng khiếp. Nguyễn Thị Anh của Đêm trước ngày hoàng đạo cũng ý thức về “nữ quyền” hơn, tham vọng hơn, sắc sảo hơn, vì thế cũng hấp dẫn hơn. Bà chủ động tham gia “vòng xoáy quyền lực” chốn cung đình khi chỉ có hai lựa chọn: giẫm lên kẻ khác để vươn lên, hoặc bị giẫm nát…
Tấm lòng của hậu thế
Với Võ Minh Lâm, vai diễn Lê Tư Thành không xa lạ khi anh từng đảm nhận vai này trong bản cải lương truyền hình Đêm trước ngày hoàng đạo. Anh cũng vào vai Lê Thánh Tông của vở cải lương truyền hình Vua thánh triều Lê năm 2019. Tuy nhiên, ở bản dựng mới này, Võ Minh Lâm cho biết anh không hề chủ quan mà càng phải tập trung. “Cách dựng và diễn của sân khấu khác hẳn truyền hình, nên lần này với tôi vẫn là một vai mới. Hơn nữa, sân khấu Đại Việt sẽ đưa vở dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô. Mang chuông đi đánh xứ người, còn là nơi rất mạnh khai thác đề tài lịch sử, thì mình càng phải nỗ lực hơn để đóng góp cho hiệu quả tác phẩm” - Võ Minh Lâm nói.
|
Tác giả Võ Tử Uyên đã “đo ni đóng giày” vai diễn Lê Tư Thành trong Đêm trước ngày hoàng đạo cho Võ Minh Lâm - ẢNH: N.L. |
NSƯT Thoại Mỹ cũng không khỏi áp lực khi vào vai diễn nặng tâm lý như Thần phi Nguyễn Thị Anh. “Nguyễn Thị Anh là một nhân vật lịch sử lớn thường xuyên được khai thác, cũng từng được các nghệ sĩ đi trước như NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thanh Vy thể hiện rất thành công. Tôi rất vui mà cũng cảm thấy thách thức khi vào vai diễn quen nhưng cũng rất khó này” - NSƯT Thoại Mỹ chia sẻ. Và sau nhiều năm, khán giả lại được thấy một Thoại Mỹ thâm trầm, sắc sảo với những khoảnh khắc bùng nổ cảm xúc trong một vai diễn có chiều sâu như Thần phi Nguyễn Thị Anh.
Với Đêm trước ngày hoàng đạo nối tiếp những Chuyện tình Khau Vai và Nàng Xê Đa, sân khấu Đại Việt của “ông bầu” Hoàng Song Việt tiếp tục kiên trì mục tiêu thực hiện những tác phẩm cải lương chất lượng và ít nhiều mang đến cảm giác mới mẻ cho người xem. NSƯT Lê Thiện nhận xét, Đêm trước ngày hoàng đạo vẫn giữ chuẩn mực cải lương truyền thống, nhưng tiết tấu vở diễn rất hiện đại, cuốn người xem theo mạch kịch dồn dập.
“Ngồi xem, tôi giật mình khi thấy Thoại Mỹ té trên sân khấu, tôi biết chân em không khỏe. Sau mới biết đó là mảng dựng của đạo diễn, cảm giác chân thực đó làm tôi thót tim. Nếu cải lương chúng ta cứ sang, đẹp, hiện đại, và nghệ sĩ bước ra sân khấu cũng cháy hết mình như thế này, thì khán giả sao nỡ bỏ cải lương được!” - NSƯT Lê Thiện chia sẻ.
Ninh Lộc