60 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam 20/12/1960-20/12/2020

Đêm trước của những lá cờ lộng gió

19/12/2020 - 06:09

PNO - Ngày 30/4, lá cờ nửa xanh nửa đỏ của quân Giải phóng đã theo các đoàn xe tăng, thiết giáp và những dòng bộ binh tiến vào Sài Gòn, tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Cùng thời điểm đó, người dân miền Nam hân hoan treo lá cờ chiến thắng trước nhà. Nhưng ít người biết, việc chuẩn bị một số lượng lớn các lá cờ cho ngày trọng đại không hề đơn giản.

Ngày 20/12/1960, tại vùng giải phóng ở xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước nổi tiếng ở Sài Gòn, được bầu làm chủ tịch mặt trận. 

Mặt trận chọn hiệu kỳ: hình chữ nhật, nửa đỏ, nửa xanh dương và có ngôi sao vàng ở giữa. Lá cờ này của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (cờ giải phóng) sử dụng từ năm 1960 đến 1975.

Trong tài liệu của Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TPHCM, một vài nhân chứng nhắc tới chuyện may cờ. Đó là những điểm may cờ mà người ngồi may vừa “đạp máy vừa run”. Bởi chỉ cần có chỉ điểm là lính tráng ập tới, là bị… “xộ khám”. Tuy nhiên, niềm tin vào cách mạng, vào tương lai khiến các bà, các chị gạt đi nỗi sợ hãi, thức suốt đêm may viền, ghép vải, tạo nên những lá cờ lộng lẫy.

May cờ trong cơ sở bánh phồng tôm Tiền Giang

5 năm trước, chúng tôi may mắn được thăm một di tích của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ tại căn nhà số 51/10/14 Cao Thắng.

Đây là nhà cũ của mẹ Trần Thị Sương - một trong 200 người mẹ Bàn Cờ nổi tiếng. Nhà nhỏ xinh, trong một con hẻm nhỏ ở khu vực dân cư chia ô như bàn cờ. Vừa vào cửa đã thấy chiếc máy cắt bánh phồng tôm cũ kỹ choán ngang. Phía trong, giữa các vật dụng được giữ lại như súng K54, xe máy chở tài liệu, hầm giấu vũ khí, tài liệu… có một chiếc máy may cũ nằm lặng lẽ. Chiếc máy may này từng may những lá cờ đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận) để gửi vào căn cứ của Mặt trận trong rừng Lò Gò Tây Ninh; may một số lượng lớn cờ cho các cuộc khởi nghĩa 1968, 1975.

Bà mẹ Bàn Cờ Trần Thị Sương (trái) và con gái bên chiếc máy may từng may những lá cờ đầu tiên cho quân Giải phóng - Ảnh: Hồng Phương
Bà mẹ Bàn Cờ Trần Thị Sương (trái) và con gái bên chiếc máy may từng may những lá cờ đầu tiên cho quân Giải phóng - Ảnh: Hồng Phương

Bà Trần Thị Sương ban ngày là nhân viên bưu điện, ngoài giờ sản xuất bánh phồng tôm để tạo vỏ bọc dễ bề hoạt động cách mạng còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ trong Ban Phụ vận nội thành, cất trữ tài liệu, thu nhận tin tức, nuôi giấu các cán bộ của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. 

Việc may cờ diễn ra vào ban đêm, khi cánh cổng nhà đóng lại. Nhưng do tai mắt của mật thám khắp nơi, việc may và cất trữ cờ làm sao để không bị lộ chẳng hề đơn giản. Dưới chiếc giường ngủ của gia đình có một ngăn bí mật và ngay dưới khu nấu nướng cuối nhà có một căn hầm mẹ Sương tự tay đào để cất giấu cờ, vũ khí, tài liệu.

May cờ ngay dưới chân địch

Bà Trương Mỹ Lệ, nguyên quyền Bí thư Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định, kể với báo chí chuyện bà được đưa từ căn cứ về Bàn Cờ làm công tác chuẩn bị khởi nghĩa trong nội thành. Ngoài việc chuẩn bị hậu cần, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật dụng y tế, máy thu âm, máy phát, bà đã phân công mọi người đi mua vải gửi nhà dân, chuẩn bị máy may, kim chỉ, chờ đến ngày nổ ra chiến dịch là khẩn trương cắt vải may cờ giải phóng.

Vì cờ giải phóng có ba màu xanh, đỏ, vàng nên nếu mua cùng một chỗ và cùng thời điểm dễ bị địch phát hiện. Bà kể: “Các điểm chuẩn bị nổi dậy tổ chức mua vải ở nhiều nơi khác nhau, mỗi gia đình mua một ít và cất giấu cẩn thận. Thông thường một tuần, mỗi gia đình mua một loại vải và mỗi lần chỉ mua vài mét. Các điểm may cờ phải được ngụy trang kỹ càng. Khi may xong, các đơn vị lấy cờ chia ra giấu trong nhà dân”. 

Cách căn nhà trong hẻm của bà mẹ Bàn Cờ Trần Thị Sương không xa là căn nhà số 115 Bàn Cờ, quận 3, TPHCM. Đây được chọn làm điểm chỉ huy nổi dậy và cũng là một điểm may cờ giải phóng. Do căn nhà là cửa hàng may mặc nên địch không nghi ngờ. Ông Lê Quang Hùng, chủ nhà, nhớ lại: “Ban ngày thì có tốp cảnh sát nằm trên nóc nhà để canh gác, nên gia đình chúng tôi chỉ may cờ vào ban đêm, xen kẽ may các loại quần áo khác. Địch ra vào nhà mà vẫn không phát hiện được".

May cờ trong làng dệt Bảy Hiền

Khu may cờ với số lượng lớn nhất có lẽ là làng dệt Bảy Hiền (nay thuộc phường 11, quận Tân Bình, TPHCM). Nằm tại cửa ngõ quan trọng của Sài Gòn và thuận tiện cho việc vào nội ô, ra ngoại thành, từ những năm 50 của thế kỷ trước, Bảy Hiền là nơi sinh sống và làm nghề dệt nhuộm của người Quảng Nam. Nơi này, tiếng máy dệt chạy xành xạch ngày đêm.

Ngày 30/4, lá cờ của quân Giải phóng đã theo các đoàn xe tăng, thiết giáp và những dòng bộ binh tiến vào Sài Gòn
Ngày 30/4, lá cờ của quân Giải phóng đã theo các chiến sĩ tiến vào Sài Gòn, tung bay trên nóc Dinh Độc lập

Mặc dù quanh làng Bảy Hiền là hàng loạt căn cứ quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, ngã tư Bảy Hiền là những bốt cảnh sát lớn nhưng làng dệt Bảy Hiền cũng là nơi tập trung rất nhiều cơ sở cách mạng, bởi địa hình khu vực này có nhiều đường nhỏ, hẻm tắt thuận tiện cho việc vào ra, di chuyển. Nhiều cán bộ của lực lượng Giải phóng bám trụ nhà dân, được dân nuôi giấu, tiện ra vào cất trữ lương thực, thuốc men và thực hiện một việc vô cùng quan trọng: chuẩn bị một số lượng lớn cờ cho ngày khởi nghĩa.

Có một điểm may cờ khác cũng đặc biệt không kém: giáo xứ Nhân Hòa, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú. Được giáo xứ giúp đỡ, người của Mặt trận mở lớp dạy may cho người nghèo trên tầng hai của nhà thờ; vừa may cờ, vừa quan sát máy bay và hoạt động tuần tra, thám báo của địch ở dưới đất. Mỗi ngày, cơ sở này may được hơn 50 lá cờ giải phóng, sau đó đem cất giữ ở những nơi bí mật. 

Cờ Giải phóng do ai thiết kế?

“Lá cờ nửa đỏ nửa xanh/ Màu đỏ của đất, màu xanh của trời/ Ngôi sao, chân lý của đời/ Việt Nam, vàng của lòng người hôm nay”, nhà thơ Tố Hữu đã nhắc tới lá cờ giải phóng trong bài thơ Nước non ngàn dặm. Với con trẻ ngày nay, lá cờ ấy chỉ còn trong sách lịch sử, viện bảo tàng… nhưng ngược trở lại khoảng thời gian 1960-1975, với quân dân miền Nam, nó là ý chí, ngọn đuốc soi đường, thể hiện niềm tin, niềm hy vọng. Việc thiết kế lá cờ ấy được giao cho kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. 

Là một kiến trúc sư tài hoa, đồng chí Huỳnh Tấn Phát chọn mẫu cờ này với ý nghĩa: khuôn mẫu của quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chia đôi, một nửa màu đỏ được thay bằng màu xanh. Nửa trên đại diện cho miền Bắc đã độc lập. Nửa màu xanh dương tượng trưng cho miền Nam còn trong vòng kìm kẹp của Mỹ và chế độ Sài Gòn, song miền Nam đấu tranh cho khát vọng hòa bình, thống nhất (màu xanh hòa bình). Ngôi sao vàng nằm giữa, trên nền đỏ và xanh.
Ngày 30/4/1975, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc lập, chính quyền Sài Gòn theo Mỹ hoàn toàn sụp đổ, đánh dấu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong các trường học, bệnh viện, khu dân cư, đồng loạt cờ xanh - đỏ được kéo lên, thắm tươi, rực rỡ…

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM chủ trì, phối hợp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tri ân, nhắc nhớ niềm tự hào truyền thống quật khởi của dân tộc. Theo đó, ngày 19/12, tổ chức dâng hương tưởng niệm tại Nhà bia Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam và Khu lưu niệm Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Tây Ninh); ngày 20/12, họp mặt truyền thống nhân 60 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu (quận 3, TPHCM) và tổ chức các đoàn thăm 51 cựu cán bộ chiến sĩ, phục vụ các cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam; Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đại biểu tiêu biểu trong phong trào đấu tranh miền Nam.

Phong Vân

 T.Minh 

 

 


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI