|
Chị Trần Thị Nguyệt (vợ thuyền trưởng Phạm Văn Đào) khóc cạn nước mắt khi hay tin chồng gặp nạn trên biển |
Xóm chài thôn Đông An (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) giờ này tập trung rất đông người. Nhưng tất cả chỉ im lặng, hầu như mọi giao tiếp chỉ bằng ánh mắt. Ở đó, những người phụ nữ gục trên vai những người bên cạnh. Nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt sưng húp sau 2 đêm thức trắng. Những dòng tin liên tục cập nhật về tình hình tìm kiếm 13 người vẫn đang mất tích, nhưng tuyệt nhiên chưa có một tia hy vọng nào cho sự sống mong manh vẫn đang được cố giữ.
Chị Trần Thị Nguyệt (sinh năm 1979, vợ của thuyền trưởng tàu 90927 Phạm Văn Đào) ngồi thất thần trên chiếc ghế nhỏ. Mọi câu hỏi dường như không lọt vào tai chị. Dù biết chồng mình đã được cứu lên trên một tàu cá khác, nhưng mọi thông tin chỉ dừng ở đó. “Đã có người dù vớt lên kịp nhưng cũng không qua khỏi”, chị lẩm nhẩm.
|
Những người phụ nữ xóm chài vẫn ôm một tia hy vọng mong manh về người thân |
Trường hợp mà chị Nguyệt nhắc tới là gia đình của thuyền viên Đỗ Văn Hải (ngư dân gặp nạn trên tàu QNa-90129 TS). Chị Đinh Thị Bích Thủy, vợ ngư dân Đỗ Văn Hải phải trải qua hai lần nỗi đau. Nghe tin báo giữa đêm chồng mình gặp nạn không biết sống chết thế nào, chị thức trắng cầu nguyện. Trưa hôm sau, tin báo về có 2 ngư dân được cứu, trong đó có anh Hải chồng chị. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, anh Hải sức khỏe yếu do ngâm mình dưới nước biển suốt đêm ròng, cuối cùng không thể sống sót, dù được đưa lên tàu và nỗ lực cứu chữa. Chị một lần nữa rơi vào tuyệt vọng.
Chị Phạm Thị Liên (39 tuổi) ngồi co ro vào một góc nhà, gương mặt trắng bệch tràn nước mắt. Những gì muốn nói, chỉ có người thân bên cạnh chị truyền đạt lại. Chị đã không còn sức. Chồng chị là anh Nguyễn Ngọc Phúc lên tàu vào ngày 5/10, đây là chuyến đi biển cuối cùng trong năm của anh rồi về nghỉ, cũng là lúc chị chuẩn bị sinh đứa con đang mang trong bụng. Nhưng hung tin ập tới, chị chới với, quặn thắt.
Ngôi nhà của ông Đặng Thống T. (62 tuổi, ngư dân mất tích), hàng xóm ra vào liên tục, ai cũng mong tin. Anh Đặng Thế Công, con trai ông T., đứng thất thần trước cửa nhà, đôi mắt đỏ hoe. “Nóng ruột quá nhưng giờ đành chờ từ cứu hộ trên biển chứ cũng không biết sao nữa”, anh nói.
|
Anh Đặng Thế Công (con trai ngư dân T.) vẫn đang ngóng từng chút một tin tức về cha của mình |
Mưa bắt đầu ngớt dần, nhưng không khí u tịch trong xóm chài thì bao trùm. Chính quyền địa phương, bà con chòm xóm nghe tin đều tới để san sẻ. Nhưng tất thảy đều im lặng, chỉ nhìn nhau, rồi thở dài.
Căn nhà của thuyền trưởng Lương Văn Viên lúc này rất đông người. Thấy người lạ đến, chị Thuận (vợ của thuyền trưởng Viên) vội xin phép đi vào trong. Anh Lương Văn Công (em trai thuyền trường Viên) thanh minh: “Giờ buồn quá, cũng chẳng muốn nói gì nữa. Chỉ mong cho phép màu đến với những thuyền viên gặp nạn. Mất mát kiểu này không ai chịu nổi”, anh Lương chia sẻ.
Theo anh Lương, con tàu của gia đình được đầu tư với giá 7 tỉ đồng, đã trải qua nhiều chuyến biển. “Rủi ro ở trên biển, là luôn có. Nhưng không nghĩ là bị đến mức như thế này. Anh Viên may mắn đã được cứu, nhưng còn những anh em khác chưa biết thế nào. Giờ, không nghĩ đến chuyện tổn thất, mà chỉ trông cho anh em trở về”, anh Lương nói thêm.
|
Bà con xóm chài tập trung đến chia sẻ với những gia đình có người thân gặp nạn. Tất cả chỉ im lặng, động viên nhau qua thời điểm khó khăn này |
Sáng 18/10, Sở Chỉ huy tiền phương (đóng tại Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà) cho biết, đến 9g ngày 18/10, thông tin từ hiện trường báo về vẫn chưa phát hiện thêm ngư dân mất tích. Khu vực hai tàu gặp nạn gió cấp 3-4, trời nắng, thuận tiện cho công tác tìm kiếm.
Đại tá Trần Tiến Hiền - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam - cho biết, hiện nay, 7 tàu cá ngư dân và 4 tàu của Bộ Quốc phòng đang tích cực tiếm kiếm ngư dân mất tích. “UBND tỉnh đề nghị Uỷ ban Quốc gia Ứng phó thiên tai và TKCN chỉ đạo tàu Cảnh sát biển tiếp nhận 78 người bị nạn và 2 thi thể lên tàu để bảo quản và chăm sóc y tế, đưa vào bờ khi kết thúc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ”, đại tá Hiền nói.
Thượng tá Trương Bá Long - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng Cảnh sát biển 2 - cho biết tàu cảnh sát biển 8002 đã tiếp cận tàu chở ngư dân bị nạn, hỗ trợ y tế và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tàu hải quân, kiểm ngư cùng 7 tàu cá ngư dân tiếp tục tìm kiếm 13 ngư dân mất tích.
Theo ông Long, tàu 8002 đã tìm kiếm toàn bộ khu vực được giao và tiếp tục mở rộng phạm vi. Sức khoẻ ngư dân được cứu bình thường, tàu cảnh sát biển đã tiếp cận động viên, hỗ trợ thuốc uống. “Tuy nhiên, hiện nay bà con ngư dân (được cứu) có nguyện vọng tiếp tục theo tàu cá để tìm kiếm đồng nghiệp, chưa lên tàu Cảnh sát biển. Công tác tìm kiếm đang diễn ra, khi có lệnh chỉ đạo chuyển người lên tàu và đưa thi thể về bờ thì chúng tôi sẽ thực hiện”, thượng tá Long thông tin.
Nguyễn Dương