Đêm tân hôn, chú rể quỳ dưới chân giường nhận lỗi vì nợ nần làm liên lụy đến cô dâu

15/07/2016 - 06:41

PNO - Chị vấp một cái khá đau do bước vội xuống bậc thềm tòa án. Ngồi thở dốc trên băng ghế đá trước sân, chị lẩm bẩm: “Sao kỳ vậy? Sao không nhận đơn vậy? Tòa mà không nhận thì chỗ nào nhận đây?”.

Dáng chị cao gầy, tấm lưng như còng xuống. Da mặt chị sần nám, ánh nhìn mệt mỏi. Bàn tay gân guốc của chị lật đi lật lại lá đơn như cố tìm những chỗ sai khiến đơn bị trả. Đơn của chị, tòa án không nhận là đúng, vì nó là… đơn xin ly thân. Chuyện đời chị được tái hiện chắp vá qua từng giọt nước mắt...

Anh rất đẹp trai, lại giỏi đàn hát. Đàn bà yêu bằng tai nên chị đã “chết ngất” trong lần đi phụ đám cưới trong xóm tình cờ gặp anh. Ba mẹ chị nhất quyết không gả vì... nhà anh nổi tiếng “có máu” cờ bạc. Nhưng chị tin tình yêu sẽ thay đổi được tất cả. Thực tế, tình yêu chẳng thay đổi được gì, có chăng là thay đổi… sắc mặt của chị, từ rạng rỡ vì lấy được người mình yêu sang tái mét bởi ngay ngày cưới, một nhóm “anh chị” đã đến đòi nợ cá độ bóng đá tháng trước anh còn thiếu. Thời điểm năm 2000, mười triệu đồng không phải là nhỏ. Muốn yên lành, cha mẹ chồng lấy ngay tiền mừng cưới trả nợ. Còn tiền tiệc tùng, nhà rạp... cô dâu sẽ bán nữ trang cưới trả sau.

Dem tan hon, chu re quy duoi chan giuong nhan loi vi no nan lam lien luy den co dau
Ảnh mang tính minh họa

Đêm tân hôn, chú rể quỳ dưới chân giường nhận lỗi là đã làm liên lụy đến cô dâu, thề thốt đây là lần cuối cùng, lại chỉ là nợ cũ. Từ mai, anh sẽ chí thú làm ăn. Quả thật, suốt tám tháng sau, anh chăm chỉ làm việc, 4.000m2 đất cha mẹ anh cho mượn, vợ chồng luân canh hết cà nâu rồi đậu bắp, đậu đũa… thu hoạch cũng khá. Cái bụng bầu của chị bảy tháng thì vừa đến… giải ngoại hạng Anh. Anh đi miết, xong giải là lòi ra một đống nợ, do cá độ thua.

Sau đận đó, chị bệnh liệt giường. Hậu quả, sinh con xong chị mất sữa, con bé bú bình ngốn thêm một mớ tiền. Mẹ chồng góp tay choàng gánh nhưng không tiếc lời nặng nhẹ: “Đàn bà hư, chỉ ăn rồi đẻ mà cũng không biết đẻ làm cháu tao mất sữa”. Chị cắn răng chịu đựng để có miếng cơm no lòng. Con cứng cáp, chị xin ra riêng. Biết là sẽ vất vả hơn nhưng chị muốn có điều kiện “quản” chồng, chứ chung chạ cả đại gia đình, có uất lòng muốn gào lên một tiếng cũng không dám.

Một căn nhà nhỏ được cất lên trên mảnh đất 4.000m2, nhờ ba mẹ chị cho vật tư. Cứ tưởng một mái ấm đã thành như mơ ước. Thế nhưng, giờ anh không cá độ bóng đá mà chuyển sang đá gà, bài bạc. Ngày anh vẫn ra ruộng cùng vợ, nhưng đến chiều là đi tới tận khuya. Đậu mè thu hoạch chưa kịp khô đã có người tới chở vì anh đã “lén” bán rồi.

Chị khóc lóc, than van. Anh năn nỉ, hứa hẹn. Dăm tháng sau lại tái diễn chuyện nợ nần; chị chửi bới kêu gào, anh ngọt ngào năn nỉ. Rồi đứa con thứ hai ra đời vào năm 2006. Anh chăm vợ từng bữa ăn, giặt từng món đồ lót. Con trở mình là anh dỗ dành ngay, giữ yên cho vợ ngủ. Chị tin, anh đã thật sự biết yêu quý vợ con. Hóa ra, anh chỉ “tu” được đúng một năm, vì quá yêu thằng con trai giống anh như hai giọt nước.

Khi con chập chững biết đi, cũng là lúc ngậm bình sữa theo cha tới quán cà phê tham gia… “gác kèo”. Chị bảo, có đợt chị cùng hai con phải “cắm chòi” ngủ giữ đám khổ qua đang kỳ thu hoạch, nếu không canh thì thế nào đêm anh cũng lén ra hái sạch. Đau một nỗi “trời phụ người hiền”, vào giữa vụ thì thằng con bị sốt xuất huyết phải đi bệnh việ n hết năm ngày. Khi về, đám khổ qua còn mớ dây lùng nhùng vắt trên mấy cây chà trúc ngã nghiêng. Anh thua “độ”, nên trái non cũng phải vặt sạch mà bán.

Từ năm 2008 tới nay, anh gần như “hết thuốc chữa”, nhà ló món gì là anh đem “thế độ” món đó. Chị đầu tắt mặt tối ngoài ruộng để có cái ăn cái mặ c cho hai con; trong khi anh hết lê la hết xóm Cựa gà, tới ngã ba Sọ, sang ngã tư Tiền kiếp… tham gia các kiểu “độ”. Ba mẹ chị giờ cũng không còn động lòng trước những giọt nước mắt của chị nữa. Họ bảo: “Còn nợ thì trả đi con. Bây đã một lần làm khổ cha mẹ, bây giờ đừng làm khổ con bây vì vắng cha xa mẹ”.

Chị kêu với mẹ chồng, bà thản nhiên: “Tại bây không biết ngọt ngào, đầu lụy chồng nên nó mới vậy. Con tao tuổi con heo mà, ăn phá dữ lắm. Bây ưng nó, phải biết điều đó chứ!”. Chị chịu đựng đến năm con gái lớn học lớp 8 thì một trận cờ bạc đã khiến chủ nợ tới nhà đòi bắt con gái “thế thân”; chị phải báo công an mới cứu được con bé.

Sau trận đó, con gái bảo mẹ ly hôn đi, cho mẹ nhẹ nhàng mà con cũng đỡ sợ. Anh năn nỉ, đời này anh chỉ có con và em (?) sống thì có nhau, bằng muốn xa nhau thì chỉ có cái chết. Chị sợ lời hăm dọa của chồ ng thì ít, mà sợ con thiếu cha vắng mẹ, tan tác một gia đình. “Mà chị còn thương anh ấy lắm em ạ, không ly hôn đâu. Chồng chị chỉ có tật bài bạc, chứ bình thường cũng ngọt ngào tử tế với chị lắm”.

Vì thương nên chị cứ trù trừ, căng mình ra mà làm trả nợ, nợ quá chịu không nổi thì “hù” anh như hù trẻ con: “Anh mà còn như vậy nữa là tôi ly hôn à”. Mười sáu năm sống chung, chị “hù” đâu cũng mấ y chục lần, mà chưa dám quyết một lần nào. Tôi nói, nếu còn thương vậy thì chị cứ sống tiếp đi, “hù” hoài làm chi cho người ta lờn mặt? Chị sường sượng: “Nhưng lúc này nghe người yếu rồi, không làm ra nhiều tiền để trả nợ cho anh ấy nữa”.

Chị mới mua góp chiếc xe, định cho con bé làm chân đi học lớp 10 thì bị anh “thế” để qua casino “thử vận”. “Vận” không thấy, chỉ thấy mỗi tháng tới kỳ chị phải trả góp nhưng cái xe đã "đi về nơi xa lắm". Giận quá, chị làm đơn ly thân, trong đơn nêu rõ, nhờ sự chứng nhận của tòa, chị sẽ cho thời hạn ba tháng để anh sửa đổi. Chị tin, anh vẫn còn yêu thương vợ con. Nhưng, tòa không nhận đơn, bởi trước giờ chưa có tờ đơn nào kỳ lạ như vậy. Chị thất thểu ra về, cái đơn cuộn tròn trong tay, nhàu nhĩ như nhan sắc người đàn bà tuổi bốn mươi đã quá nhiều cơ cực...

Thùy Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI