Đêm nhạc Mr Đàm cấm quay chụp ảnh: Gây phiền toái nhưng phải tôn trọng

06/10/2016 - 19:54

PNO - Nhiều khán giả ngạc nhiên và cảm thấy bất tiện khi bị ban tổ chức chương trình Diamond Show của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (1-2/10) phong tỏa điện thoại để phòng tình trạng xâm phạm bản quyền.

Trước khi bước vào khán phòng Nhà hát Hòa Bình, điện thoại của người xem được BTC yêu cầu cho vào túi zipper tráng bạc một mặt và cột lại. Theo đó, mặt sau có camera của điện thoại bị lớp bạc che lại, mặt trước vẫn thực hiện cuộc gọi và tin nhắn bình thường.

Thông báo cấm khán giả và truyền thông quay phim, chụp ảnh được đặt hai bên cửa nhà hát lẫn chiếu trên màn hình sân khấu trước khi đêm diễn bắt đầu. Lực lượng nhân viên được bố trí đứng hai bên cánh gà quan sát, nhắc nhở.

Dem nhac Mr Dam cam quay chup anh: Gay phien toai nhung phai ton trong

Lần đầu tiên áp dụng trong lĩnh vực ca nhạc, cách thức này gây khó chịu cho nhiều khán giả khi thao tác của họ trên phương tiện cá nhân trở nên khó khăn hơn. Tuy vậy, đối với khán giả ở các lĩnh vực khác, đặc biệt là điện ảnh, điều này không còn lạ.

Những người thưởng thức suất chiếu đầu tiên của phim bom tấn tại Việt Nam phải để điện thoại, máy ảnh… bên ngoài phòng chiếu. Người vào rạp phải mở túi xách để nhân viên dùng dụng cụ rà soát phát hiện thiết bị điện tử… Thời gian đầu, nhiều khán giả cảm thấy khó chịu, nhưng về sau, họ cũng quen với kiểu kiểm soát này.

Cách thức khá cực đoan này đang được áp dụng để ứng phó với tình trạng xâm phạm bản quyền luôn làm “đau đầu” nhiều nhà sản xuất, tổ chức. Mới đây, một khán giả dùng điện thoại ghi hình toàn bộ vở kịch Tấm Cám của sân khấu Idecaf và đăng tải một phần lên trang facebook của mình, tuyên bố sẽ đăng tiếp phần còn lại vào hôm sau, khi vở đang bán vé.

Trước đó, ông bầu Gia Bảo cũng than trời vì vở Bên cầu dệt lụa chưa kịp thu hồi vốn đầu tư đã bị tung bản quay lén. Phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể, chỉ mới ngày thứ hai công chiếu, đã bị một khán giả trẻ dùng điện thoại để livestream (phát video trực tiếp trên facebook) diễn tiến phim mình đang xem.

Những xâm hại này nếu không được phát hiện, nhà sản xuất sẽ chịu tổn thất không nhỏ. Người ghi hình vở Tấm Cám sau đó giải thích trên trang cá nhân rằng chỉ vì “muốn tham khảo”. Điều đáng nói, người này là sinh viên đang học tại một trường nghệ thuật!

Để khán giả Việt Nam được thưởng thức phim bom tấn cùng lúc với khán giả của nhiều nước trên thế giới, các đơn vị phát hành phim phải cam kết kiểm soát được vấn đề bản quyền. Nếu để bản phim lọt ra ngoài từ rạp chiếu, các đơn vị Việt Nam phải bồi thường cho đối tác nước ngoài với con số được tính bằng triệu USD.

Trong khi đó, nhiều sân khấu kịch gửi thông báo đến khán giả cho biết sẽ tịch thu phương tiện nếu phát hiện thiết bị điện tử được dùng để ghi hình, quay phim vở diễn khi ban tổ chức chưa cho phép.

Khán giả bị phiền toái là điều chắc chắn. Nhưng khán giả có quyền lựa chọn việc tham gia hay không những sự kiện, hoạt động mà nhà tổ chức áp luật chơi riêng. Hơn nữa, trong bối cảnh tình trạng xâm phạm bản quyền tại Việt Nam rối rắm như hiện nay, sự phiền toái kiểu này không phải là “làm quá”. Dĩ nhiên, với điều kiện nhà tổ chức phải thông báo, trình bày rõ ràng, trọng thị, để khán giả thấy mình được tôn trọng mà hợp tác.

Nguyên Vĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI