Đêm ngủ với vợ, đêm ngủ với mẹ, nếu không mẹ sẽ so bì

08/10/2019 - 18:30

PNO - Nói khổ vì mẹ e có phần phản cảm. Tuy nhiên, tận mắt thấy nhiều trường hợp, tôi mới dám khẳng định khổ vì mẹ là chuyện có thật.

Lần nào đến nhà Nguyên, một anh bạn đồng nghiệp, bọn tôi cũng được mẹ anh tâm sự đủ điều. Bà than thở về cô con dâu mà theo bà là “không được nết nào”. Từ bếp núc dở, nấu ăn không hợp khẩu vị, đến việc nhà cửa không vén khéo, không biết nuôi dạy con, đã vậy còn cư xử kém.

Nếu không biết trước Hà, vợ anh, hẳn mọi người cũng nghĩ chị tệ thật. Thấy bà túm tụm với mấy cô bạn của chồng, chị Hà có vẻ đã quen chịu đựng nên chẳng nói gì, nhưng anh Nguyên thì tỏ ra bực bội. Khi anh nhắc khéo mẹ, bà giận lẫy bỏ ra nhà sau, không quên trách móc: “Từ ngày có vợ, nó chẳng còn biết đến mẹ”. 

Chúng tôi từng tiếp xúc với chị Hà nên hiểu chị không phải là người như mẹ chồng chị kể. Chị hiểu biết, giỏi giang, dịu dàng, mềm mỏng và chịu khó, nhưng bấy nhiêu vẫn không đủ vừa lòng bà. 

Dem ngu voi vo, dem ngu voi me, neu khong me se so bi
Ảnh minh họa

Cha anh Nguyên bỏ mẹ anh đi từ rất sớm, bà ở vậy nuôi con, anh lại là con một nên bà cưng như trứng. Lúc anh yêu chị, bà hậm hực, bực bội suốt thời gian dài như sắp mất con đến nơi. Anh chị muốn đi chơi phải giấu, nếu không, bà cứ làm mình làm mẩy rồi bỏ ăn, dọa ốm. Biết chị sẽ khổ khi sống chung, nhưng vì mẹ có mỗi anh nên anh chị không thể ra riêng. 

Lúc mới cưới, đêm anh ngủ với vợ, đêm anh ngủ với mẹ, chứ không là bà so bì, dằn hắt đủ kiểu. Có con rồi, anh chị mới thoát được tình trạng này với lý do anh phải ngủ chung để phụ chăm con. Anh chị đi ăn hay đi đâu chơi cũng phải đưa bà theo. Có lần, muốn kỷ niệm sinh nhật vợ, anh chị phải lấy cớ công tác để có dịp đi chơi riêng với nhau. Nói ra thật không phải, nhưng có lẽ chỉ đến khi bà qua đời, anh chị mới thấy dễ thở hơn.

Tương tự, Kiên, một anh bạn còn độc thân của tôi cũng có chung nỗi khổ mang tên Mẹ. Cha anh mất sớm, các chị đều lấy chồng ra riêng, còn mỗi Kiên là con trai một, lại là con út nên ở cùng mẹ. Mẹ cưng anh như báu vật nên chẳng muốn xa anh. Anh yêu cô nào bà cũng xét nét, chê bai đủ kiểu, cô thì bà bảo kỵ tuổi, cô bị bà chê tướng xấu, cô thì bà bảo lanh quá sợ con bà bị “nắm đầu”. 

Duyên số run rủi thế nào mà người Kiên muốn tiến đến hôn nhân toàn ở nước ngoài. Khi họ đề nghị cưới xong đưa anh ra nước ngoài sống, bà phản đối quyết liệt dù anh hứa sẽ bảo lãnh bà theo. Thậm chí bà còn tuyệt thực, bệnh lên bệnh xuống khiến anh chẳng dám tiến tới với ai. Cứ vài bận như vậy, những cô gái anh yêu lần lượt đi lấy chồng hết.

Thanh xuân đã qua từ lâu, nhìn lại bên mình chỉ còn mỗi mẹ già hơn tám mươi tuổi, anh chán nản hết sức. Dù điều kiện anh khá tốt, nhưng nghĩ đến bà mẹ khó tính của anh, các cô gái trẻ đều ái ngại, yêu để đó chứ chẳng muốn tính chuyện kết hôn. Tám mươi tuổi, anh biết mẹ chẳng còn sống trên cõi đời này bao lâu nữa. Nhỡ mai không còn mẹ, anh biết sống với ai? Nhưng ở tuổi hơn năm mươi, anh đâu dễ bắt đầu một cuộc hôn nhân và thành lập một gia đình của riêng mình. 

Không như các bà mẹ có con gái luôn mang sẵn tâm lý con mình rồi cũng sẽ thành “con người ta”, những bà mẹ có con trai, nhất là con trai một, vì luôn muốn sở hữu nên cảm giác khó chịu, ích kỷ khi bị chia sẻ tình cảm của con với người khác là điều dễ hiểu. Có những cặp đôi, hoặc giữa đường gãy gánh bởi người vợ không chịu nổi mẹ chồng khắc nghiệt, hoặc cả hai chỉ được “giải thoát” khi người mẹ qua đời, nhưng đến lúc đó thì thanh xuân của họ đã qua đi tự lúc nào. 

Tuổi già khó tính hay khó chiều, có thể là do hậu quả của tuổi tác, cũng có khi là di chứng từ cuộc sống khắc nghiệt thời còn trẻ. Thế nên, việc dung hòa tình cảm giữa hai bên (mẹ và vợ/người yêu) không chỉ đòi hỏi bản lĩnh của người đàn ông mang trọng trách là chiếc cầu nối giữa hai người đàn bà, mà còn cần cả sự hy sinh của người phụ nữ bên cạnh anh. Khéo léo, nhẫn nhịn, mềm mỏng thôi chưa đủ, người phụ nữ ấy còn phải am hiểu tâm lý người lớn tuổi, trên hết nữa là tình thương yêu và xem mẹ anh cũng như mẹ ruột của chính mình. 

Đỗ Thu Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI