Sự kết nối và liên tưởng từ Chinh phụ ngâm khúc (nữ sĩ Đoàn Thị Điểm), Hòn vọng phu (nhạc sĩ Lê Thương) và Dạ cổ hoài lang (nhạc sĩ Cao Văn Lầu) đã mang lại cho tổ khúc Hồn chinh phụ (tác giả Lê Duy Hạnh) xúc cảm đầy âm tính. Câu chuyện mang đậm dấu ấn huyền tích cổ xưa về nàng Tô Thị ôm con chờ chồng - lại được dẫn dắt theo mạch - không hóa đá - là sự minh chứng cho lời dẫn nhập: lòng thủy chung, hồn hậu và tính quả cảm, can trường là biểu hiện của tính cách đôi, lưỡng trị ở phụ nữ Việt Nam.
Trên nền không gian hoài cổ, những xử lý ánh sáng, vũ đạo khá nhịp nhàng, uyển chuyển từ sắc màu u tịch sang không khí “ra trận”, và đặc biệt là biệt tài ca trong diễn - diễn trong ca của NSND Bạch Tuyết cùng dáng vóc đĩnh đạc, khôi ngô, chất giọng trầm, ấm và… lành của ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đã đưa Hồn chinh phụ rót tận trái tim người nghe.
|
NSND Bạch Tuyết đã có một tiết mục biểu diễn xuất thần trong đêm 19/10 |
Những đẩy đưa, nhấn nhá trong quãng giọng “lên cao xuống thấp” của Bạch Tuyết, kiểu xử lý hai lớp vọng cổ với hai kiểu xuống hò khác biệt cũng như cách phiêu trong nghệ thuật ca lòng bản, lâu lắm, giữa dày đặc gameshow nhí nhố, giữa những trò thi thố nhại chước lẫn nhau, cái cách chăm chút và điểm tô đầy nghiêm cẩn, lại bồng bềnh sức sáng tạo, đã mang lại xúc cảm thưởng lãm nghệ thuật đúng nghĩa.
Xúc cảm ấy tiếp tục được nuôi dưỡng ở Lên ngàn của ca sĩ - NSƯT Thanh Thúy. Thúy hát khá thong dong, phóng khoáng, kỹ thuật vuốt và thả hơi ở những quãng ngân điêu luyện tới mức thành… nghệ thuật. Nghệ thuật của tự nhiên và chân thành.
Lên ngàn chảy ngang dòng thời sự - khi hàng triệu đồng bào miền Trung cũng đang chìm trong cảnh “nước ngập đồng xanh lúa chết. Gió mưa sập đổ mái nhà. Bao nhiêu gia đình tan hoang…”. Giọng ca Thanh Thúy ngập tràn nỗi da diết, nhưng không bi thiết - như chính ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Việt, mà phả vào đấy cái âm hưởng sau cùng, lạc quan, hy vọng về một ngày “mai này kháng chiến thành công. Anh về em thỏa ước mong”.
Hạt mưa và tia nắng là ca khúc được nhạc sĩ Vy Nhật Tảo viết riêng cho kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ X. Cái hay là ca khúc đã hoàn toàn thoát khỏi tính “minh họa” để bay bổng chất trữ tình, sâu lắng. NSƯT Vân Khánh, vừa đủ chất ngọt ngào, thấm sâu như “muôn vàn hạt mưa về với đất khô cằn, mãi mang lại màu xanh”; vừa đầy chất trẻ trung, tươi mới như “tia nắng cho hoa lá đâm chồi, cho ánh mắt đôi môi ngời sáng niềm vui”.
|
NSƯT Vân Khánh ngọt ngào, tươi mới với ca khúc Hạt mưa và tia nắng - một sáng tác của nhạc sĩ Vy Nhật Tảo viết tặng Đại hội ĐBPNTP lần thứ X. |
Bộ sưu tập áo dài Cuối thu của thương hiệu áo dài ABC trên nền nhạc của liên khúc Quê hương em và tôi, gồm Xinh tươi Việt Nam, Áo dài ơi, Một thoáng quê hương là sự khép lại nền nã, tươi tắn, đầy sức sống - một sắc diện mới - là kỳ vọng chặng đường năm năm tới, của tập thể Ban chấp hành Hội LHPN TP.HCM, đại diện cho gần một triệu hội viên phụ nữ.
Đêm nhạc chào mừng thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2016- 2021, cũng là chương trình nghệ thuật chúc mừng ngày hội của những người phụ nữ Việt Nam (20/10/2016), tôi tuyệt nhiên không thấy sắc màu tụng ca nhưng lòng lại tràn ngập tự hào, đan xen những khoảnh khắc lắng đọng. Sức sáng tạo nghệ thuật được kết nối từ dòng chảy lịch sử - văn hóa do chính những người phụ nữ Việt Nam kết tinh và tạo dựng. Họ - với đức hy sinh, lòng thủy chung, sự quả cảm - là mạch ngầm trong suốt, góp phần lý giải một cách thấu đáo vì sao dân tộc này bền bỉ, can trường mà nhân hậu, bao dung, nếu không đi từ khởi nguyên của nền văn hóa truyền thống mang bản sắc nguyên lý Mẹ - như cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã phát kiến.
Dáng vóc của đêm nhạc, hẳn nhiên không thể thiếu những bàn tay chăm chút của các nhạc sĩ, biên tập, đạo diễn… đàn ông. Nhưng nhìn những gương mặt nữ đang “cày xới” trên từng khâu, qua từng công đoạn, trong từng chuyển động từ trường quay đến hình ảnh lên sóng cho một chương trình chào mừng sự kiện quan trọng của giới nữ, ngày hội của chính nữ giới, thì mới thấy hết tình yêu và trách nhiệm lẫn nhọc nhằn ở họ: từ biên tập âm nhạc, kịch bản (Vân Anh), biên tập chuyên đề (Nguyễn Tường Loan), chịu trách nhiệm nội dung, nghệ thuật (Bửu Chi) cho đến trợ lý đạo diễn Hồng Hải - chị điệu đàng và… hầm hố theo từng cao độ, tốc độ, cự ly của góc máy, chiếu sáng…
Bỗng dưng, tôi lại thấy, ngoài đêm (nhạc) lại có… đêm, nơi những khoảng tối vẫn ngự trị trong quan niệm, trong hành xử, trong những khế ước xã hội mang màu sắc định kiến giới, đâu đó vẫn còn cái bóng tối hoài nghi đàn bà.
Để ngay trong đêm trước ngày 20/10 - Ngày Phụ nữ Việt Nam, giữa những sắc màu, giai điệu đẹp, sâu lắng và đầy nữ tính ấy, tôi vẫn cứ với nhìn theo những nỗi niềm trăn trở và cả cuộc dấn bước, không thể lùi, của những người phụ nữ đang hoạt động vì nữ quyền, vì sự tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc của giới nữ - thể hiện trong tinh thần của bài diễn văn (do Chủ tịch Hội LHPN TP Tô Thị Bích Châu phát biểu) và cả ánh mắt dõi nhìn của ba nữ chính khách Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, Nguyễn Thị Lệ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.
Lê Huyền Ái Mỹ
Ảnh: Phùng Huy