“Quê mình không sao đâu con, năm nào chẳng có bão vào miền Trung, mày làm như mới lần đầu nó đến. Má chuẩn bị hết rồi”, má trấn an như thể chẳng phải cơn bão lớn nhất trong gần 20 năm trở lại sắp quét qua miền Trung, mà Molave - cơn bão số 9 chỉ hao hao cơn mưa rào sắp ập xuống, thoáng chốc rồi sẽ tan. Má càng trấn an, lòng tôi càng như lửa đốt.
|
Trở về sau cơn bão, gia đình anh Hồ Văn Mừng (xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) không khỏi đau xót trước cảnh căn nhà của mình giờ chỉ còn là một đống đổ nát - Ảnh: Zing |
Năm nào miền Trung cũng đón bão, khi ít thì vài ba cơn, nhiều thì liền tù tì cả chục cơn. Phần vì quen sống trong bão lũ, quen chuyện gió giật điêu tàn thì cũng sẽ đến ngày nắng lên, ai nấy lại lao vào gầy dựng cuộc sống mới nên khổ mãi rồi quen, ai có lo trong lòng cũng giấu nhẹm, vì biết có thở than thì trời xanh kia cũng chẳng thấu. Trong điện thoại, má xua liên hồi những câu tôi dặn dò, gạt phăng những xót xa của tôi cũng vì lẽ đó.
Ừ thì má là dân Phú Yên chính hiệu, má có rời quê biền biệt như tôi bao giờ đâu mà cần phải nghe những dặn dò thừa mứa đó. Tôi thì không nói không chịu được, không nói thì cổ họng nghẹn đắng, lòng dạ rối bời, lại tự trách mình tha hương ngay giờ phút thiên tai cận kề. Năm nào bão cũng vào, người con miền Trung nào cũng từng hiểu cảnh chạy bão, sống chung với lũ lụt là gì. Vậy mà nay, nghe tin bão lớn, đêm trằn trọc không ngủ được. Mà nào phải chỉ những người con của miền Trung, Facebook đêm qua nhà nhà vẫn “sáng đèn” chờ tin, chỉ mong điều kỳ diệu xảy ra, cơn bão hung tợn kia “đổi ý” không vào nữa.
Những người trẻ như tôi, đi đến các thành phố lớn học hành, làm việc, ít người về lại quê nhà sinh sống. Thật lòng, những lúc bão lũ kéo đến cũng là khi hoài bão, sự quyết liệt trong những đứa trẻ xa nhà yếu hẳn, chỉ muốn bỏ hết để trở về cạnh gia đình, đón chung cơn bão ấy.
Tôi nhớ cả tuổi thơ cho tới năm 18 tuổi rời quê vào Sài Gòn, không ít lần bão ập tới và lấy đi những thứ quý giá của xóm làng. Khi thì mạng người; khi thì bão đánh sập nhà, tốc mái; khi thì ruộng hoa màu chỉ còn trơ lớp bùn nhão nhoẹt… Mãi đến giờ, tiếng gào thét đến khản cổ của bà Ba để tìm thằng Tí ngày đó vẫn còn vọng từ trong tiềm thức của tôi. Ám ảnh.
Trong nhiều cơn bão miền Trung hứng chịu, tôi rùng mình khi nghĩ về cơn bão năm 2009. Ngày đó, bão vào chiều tối, gió lột từng miếng ngói nhà tôi bay thốc lên cao, mái tôn nhà bên dập lên dập xuống va vào nhau kèn kẹt, gió rít mạnh như thể căn nhà được mang ra đặt trơ trọi trước biển lớn.
Ba má lệnh cho anh em tôi chui tọt xuống gầm giường đề phòng ngói rơi trúng, tường đổ. Chiếc giường nhỏ xíu thành nơi trú bão của cả gia đình. Sáu người trong nhà không ai ngủ được vì thấm mưa lạnh, co ro trong từng cơn gió rít.
Những đứa trẻ như chị em tôi ngày đó dù sợ hãi nhưng cứ cười khùng khục vì biết ngày mai, đằng nào nhà ông Bảy Màu mãng cầu cũng rụng đầy gốc, khoai mì dễ đào trộm vì đất mềm, mang về luộc ăn, thì ngon phải biết. Đâu ngờ rồi sớm mai kia, chúng tôi tái người vì những gì nhìn thấy trước mắt. Tôi ghi vào đầu những hình ảnh mà đến tận khi rời cuộc đời này, chắc tôi mới thôi nhớ đến.
Nhiều nhà trong làng chỉ còn lại đống gạch đá ngổn ngang, cây cối bật gốc nằm phơi thân để lại những hố sâu hoáy và tiếng khóc gào xin ông trời trả lại người thân. Ai làm ơn cho lũ trẻ tôi biết, trận cuồng phong đã làm gì vào tối hôm qua?
Tôi đạp xe quanh làng, đâu đâu cũng hiện những gương mặt thất thần, ánh mắt đỏ hoe vì trắng đêm chạy bão. Rồi nội tôi ngồi trên xe lăn, quấn quanh mình chiếc mền ướt, nhìn ngược về căn nhà bị sập đến 2/3. Chú tôi vội đẩy xe lăn đưa nội đi bệnh viện vì tối qua, chân của nội bị gạch đè lên.
Năm đó, xóm Trường thuộc huyện Đồng Xuân, quê tôi gần như bị xóa sổ. Trên bản tin thời sự, tôi thấy người chết được đặt ngay ngắn cạnh nhau, nhang khói bay trong tiếng khóc than đợi trực thăng chở quan tài đến. Mì gói, quần áo đóng sẵn trong bao được trực thăng thả từ trên xuống rồi người chạy đến nhặt về. Những cơn đói đến lả người, lạnh run bần bật của lũ trẻ chúng tôi ngày đó thấm gì so với nỗi đau mất mát người thân của dân xóm Trường.
Ai cũng biết ngày mai rồi trời sẽ nắng, bão sẽ tan nhưng bão qua đi, còn ở đó những người “chọn” ở lại. Ba tôi chiều đó trong lúc chặt lại mấy cành cây ngã đổ, bảo rằng khi nào lớn lên, chị em tôi ráng mà ở nơi cho tốt, đừng về nhà những lúc trái gió trở trời để phải thấy toàn cảnh tang tóc. Hơn 20 năm sau, giờ thì tôi đã lớn, cũng không ở nhà những lúc “trời hành” để phải thấy lại khung cảnh đau thương. Nhưng không phải mắt không thấy thì tim không đau, những đứa con xa quê như tôi chỉ cần nghe tin bão về, lòng lại nóng như lửa đốt bởi hơn ai hết, chúng tôi từng đi qua nhiều ngày giông bão, đã từng chứng kiến những nỗi đau đến tận cùng.
“Má tao ở một mình, cửa nẻo có người qua chằng phụ từ chiều, đồ ăn má cũng mua trữ sẵn nhưng tao lo quá. Sao tao lại ở Sài Gòn lúc này, hả mày?”, đứa bạn cùng quê nhắn cho tôi dòng tin lúc nửa đêm. Nếu tôi biết câu trả lời nào cho thấu đáo, chắc giờ này tôi cũng chẳng nên ở đây. Bão lại về. Lòng lại như lửa đốt.
Diễm Mi