Đêm nay, bão số 1 đổ bộ vào Quảng Ninh

23/06/2015 - 18:52

PNO - PN - Chiều 23/6, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp khẩn về phương án phòng chống, đối phó với cơn bão số 1 (Kujira).

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, sau khi di chuyển ổn định và đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), sáng 23/6, bão số 1 bất ngờ đổi hướng về phía Tây và tâm bão đi dần vào Việt Nam.

Dem nay, bao so 1 do bo vao Quang Ninh

Bão số 1 sẽ đổ bộ Quảng Ninh lúc 1 giờ sáng 24/6 (Ảnh minh hoạ)

Lúc 14g ngày 23/6, bão cách bờ biển tỉnh Quảng Ninh khoảng 180km với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11. Dự kiến đến 1 giờ sáng 24/6, bão sẽ đổ bộ vào khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh, sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Tâm bão dự kiến nằm từ khu vực Hạ Long đến Cẩm Phả (Quảng Ninh) với sức gió giật tới cấp 9, cấp 10. Các khu vực lân cận như Hải Phòng, Bắc Giang có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8.

Trong ngày 24/6, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc và tạo thành vùng áp thấp ở khu vực miền núi tỉnh Cao Bằng. Do ảnh hưởng của bão, ở Bắc Bộ có mưa trên diện rộng. Riêng khu vực Đông Bắc và vùng núi, trung du Bắc Bộ, lượng mưa lớn vào khoảng 200 - 300mm. Tại Lạng Sơn, mưa có thể lên tới 300 - 400mm.

Đánh giá về cơn bão số 1, ông Cường cho rằng, cường độ bão không mạnh nhưng diễn biến mưa phức tạp, có khả năng xuất hiện lũ ống, lũ quét tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Hà Giang…

Để đối phó với bão, trong ngày 23/6, lực lượng biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn hơn 65.000 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản. Tỉnh Quảng Ninh đã cấm biển, thông báo trú tránh cho 460 tàu du lịch, 321 tàu xa bờ… đồng thời yêu cầu sơ tán dân trên các lồng bè ở khu vực Cẩm Phả đến Móng Cái.

Tại Hải Phòng, quận Đồ Sơn đã tổ chức neo đậu an toàn cho 286 chiếc tàu thuyền và huyện Bạch Long Vỹ tổ chức neo đậu 536 phương tiện.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cảnh báo, cơn bão số 1 có đường đi gần giống cơn bão Ramasun đổ bộ vào Việt Nam năm 2014: “Khi vào đất liền, bão Ramasun không mạnh nhưng đến tối 19/7, mưa lớn xảy ra tại khu vực miền núi. Kết quả, cơn bão này làm chết 31 người và 1 người mất tích. Nặng nề nhất là tỉnh Lạng Sơn với 6 người chết”.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Phát lưu ý các đơn vị không được chủ quan, tránh hậu quả nghiêm trọng như cơn bão Ramasun đã để lại. Ngoài việc phòng ngừa lốc cục bộ, các khu vực tập trung mưa lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, các đơn vị phải đôn đốc, kiểm tra nơi có nguy cơ sạt lở núi.

Đối với các hồ đập, Ban chỉ đạo đề nghị Tổng Cục thủy lợi có văn bản riêng, yêu cầu người canh gác vận hành, không để xảy ra việc vỡ đập như vụ việc ở tỉnh Quảng Ninh năm 2014.

H.ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI