Đêm giao thừa, cùng ăn 1 bát mì trong yên lặng

21/01/2023 - 17:51

PNO - Trước thời khắc giao thừa, dành ra khoảng lặng nhỏ để thưởng thức một món ngon thanh đạm có thể giúp chúng ta buông bỏ gánh nặng của năm cũ.

Đối với việc ăn uống mùa lễ, chúng ta thường nghĩ đến những bữa tiệc thịnh soạn trải đầy bàn, hấp dẫn ở màu sắc lẫn hương vị. Đặc biệt vào dịp Tết, mâm cơm thường nhật của nhiều gia đình cũng gợi lên cảm nhận dồi dào, sung túc đi cùng ý nghĩa chúc tụng.

Tại Nhật Bản, văn hóa ẩm thực ngày lễ Tết cũng mang tinh thần rực rỡ tương tự. Duy, có một ngoại lệ vào đêm giao thừa. 

Bát mì “giao niên” trong không khí tĩnh lặng

Ở nhiều quốc gia, giây phút chuyển giao từ năm cũ sang năm mới được chào đón bằng tiếng pháo hoa, ánh đèn màu lẫn đủ loại âm thanh rộn ràng náo nhiệt. Thế nhưng nếu đến Nhật Bản đúng thời khắc này, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm sự yên tĩnh hiếm thấy. Đêm giao thừa, tiếng động nổi bật nhất ngoài phố không gì hơn là một tiếng chuông chùa trầm lặng.

Giữa bầu không khí yên ả như thế, bạn có thể sẽ muốn thưởng thức một bát mì soba.

Ra đời hàng thế kỉ trước, đến nay toshikoshi soba vẫn là món ăn giao thừa đặc biệt được mọi lứa tuổi, tầng lớp người dân Nhật Bản yêu thích. (Ảnh: Shutterstock)
Ra đời hàng thế kỉ trước, đến nay toshikoshi soba vẫn là món ăn giao thừa đặc biệt được mọi lứa tuổi, tầng lớp người dân Nhật Bản yêu thích. (Ảnh: Shutterstock)

Mì được chuẩn bị cho đêm giao thừa có tên gọi toshikoshi soba, hay “mì giao niên”. Theo truyền thống, người Nhật thường ăn một phần mì ngay trước nửa đêm, ngày cuối cùng trong năm.  

Tùy văn hóa ẩm thực từng vùng miền, có đa dạng công thức, nguyên liệu chế biến “mì giao niên”. Thế nhưng vẫn tồn tại một điểm chung bất biến: chúng luôn được nấu thanh đạm. Nước dùng thanh ngọt từ tảo bẹ, sợi mì màu nâu nhạt cổ điển, trên cùng trang trí thêm ít tỏi tây, ngò hoặc vỏ cam yuzu xắt sợi mỏng.

Toshikoshi soba trông không quá bắt mắt, đầy tràn dấu ấn thịnh soạn như số đông món ngon ngày Tết – thế nhưng vì sao đây lại là món ăn điển hình được các gia đình Nhật Bản yêu thích thưởng thức vào đêm giao thừa? Đáp án thi vị cho câu hỏi, liên quan đến xuất xứ của loại mì này.  

Hương vị của những ao ước bình dị 

Nhiều người tin rằng soba khởi nguồn từ những ngôi đền thời Mạc phủ Muromachi (1336-1573). Đến đầu thế kỉ XVIII, nó dần thịnh hành như một món ăn đường phố. Khu vực hiện thuộc quận Ginza sầm uất của Tokyo, trong quá khứ từng là một thị trấn thương mại phát đạt. Vừa xuất hiện tại đây, soba – món ngon bình dân mà bổ dưỡng, nhanh chóng lôi cuốn tầng lớp lao động nghèo. Vào nửa cuối thế kỉ XIX, giai đoạn nghệ thuật làm mì phát triển cực thịnh, quanh thành Edo (tiền thân thủ đô Tokyo hiện nay nhưng nhỏ hơn về diện tích), ước tính có tới 3,700 nhà hàng soba lớn nhỏ.  

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Yoko Okubo, học giả người Nhật chuyên nghiên cứu văn hóa ẩm thực thời Edo, nói về nguồn gốc toshikoshi soba: “Ban đầu, phong tục ăn mì nhằm đánh dấu một cột mốc thời gian cụ thể hình thành ở ngoại ô Edo. Bấy giờ, giới nông dân, công nhân tầng lớp thấp trong xã hội có thói quen ăn soba vào cuối tháng như một cách ‘tự thưởng’ cho bản thân sau chuỗi ngày làm việc vất vả. Cũng vào thời kỳ này, mọi người nấu rất nhiều mì vào ngày susubarai, sự kiện tổng dọn dẹp nhà cửa trước giao thừa để đón năm mới. Lâu dần, việc thưởng thức một bát mì soba được giới hạn vào đêm giao thừa”.

Sợi mì soba, tương tự mì trường thọ tại Trung Quốc, được ưa chuộng bởi đặc trưng dài mảnh – phản ánh mong muốn gặp nhiều may mắn và sống thọ.

Theo Okubo, phong tục thưởng thức toshikoshi soba ẩn chứa một ý nghĩa riêng biệt đáng trân trọng. “Ngày nay hầu hết mọi người đơn thuần đón nhận toshikoshi soba như một món ăn kinh điển dịp lễ Tết. Nhưng tôi muốn nhắc tới ý nghĩa cổ xưa sâu xa hơn của ‘mì giao niên’. Thời Edo, khi phong tục này vừa ra đời, cuối năm là khoảng thời gian rất khó khăn với người dân lao động. Đối với không ít gia đình nghèo, thưởng thức một bát mì đêm giao thừa được xem là niềm vui xa xỉ hiếm hoi sau bao khổ cực thường nhật. Soba (làm từ kiều mạch) còn giàu vitamin B1 và B2 – hai vi chất thiết yếu giúp phòng ngừa chứng tê phù chi, căn bệnh phổ biến ở những người lao động chân tay nặng nhọc vốn chỉ thường xuyên ăn gạo trắng. Tựu trung, đây là món ngon bình dân, giàu dinh dưỡng, ẩn chứa mong mỏi duy trì sức khỏe và bình an”.     

Khép lại quá khứ - đón chờ tương lai

Bên cạnh thông điệp may mắn và trường thọ, sợi mì soba mềm, dễ bẻ gãy được cho rằng sẽ giúp “cắt đứt” vận rủi của năm cũ. Như việc cắt tóc hay dọn dẹp đồ đạc trong nhà, với nhiều người Nhật, toshikoshi soba có thể giúp họ “buông xuống” đôi chút gánh nặng tâm lý của năm cũ. Hay, thưởng thức một bát mì giữa bầu không khí thanh tĩnh là cách thú vị để mỗi người yên lặng suy ngẫm sai lầm quá khứ, từ đó hướng về tương lai khởi sắc.

(Ảnh minh họa: KakiOkumura/Medium)
(Ảnh minh họa: KakiOkumura/Medium)

Dẫu những bữa tiệc linh đình luôn có sức hấp dẫn mùa lễ Tết, toshikoshi soba vẫn chiếm giữ vị thế “độc nhất vô nhị” trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Đặc biệt sau thời điểm cơn đại dịch bùng nổ kéo theo nhiều biến động toàn cầu, khi sức ép cuộc sống dường như đè nặng hơn, chúng ta có lẽ sẽ càng muốn quý trọng cơ hội tận hưởng món ngon thanh đạm bên gia đình một cách yên bình trước thềm năm mới.

“Một điểm lý thú ở toshikoshi soba là chúng kế thừa rõ rệt đặc trưng ẩm thực vùng miền. Nghĩa là, không có công thức chế biến mặc định nào cho ‘mì giao niên’”, nữ sử gia Okubo chia sẻ. “Thậm chí mỗi gia đình có thể tự gia giảm nguyên liệu, biến tấu phương pháp nấu theo phong cách riêng. Bạn cũng có thể chọn ăn những tô mì có hương vị khác nhau trong từng năm. Tôi biết một vài người trẻ bận rộn không thể về nhà vào thời khắc giao thừa vẫn thích thưởng thức một phần soba ăn liền”.   

“Chẳng ai biết chắc điều gì về tương lai, nhưng tôi tin chúng ta luôn có thể chia sẻ góc nhìn và kết nối cùng nhau thông qua ẩm thực”, bà nói thêm. “Theo cách này, một món ăn giản dị cũng ẩn giấu những ước vọng tươi đẹp về cuộc sống”.

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI