Đêm giao hưởng lạ thường

31/05/2013 - 06:40

PNO - PNO - Chương trình Giai điệu trẻ tháng Năm trở nên khác biệt khi chỉ diễn tấu chương I trong tác phẩm From the new world (Dvořák), sau đó là phần diễn giải và tranh luận sôi nổi giữa nhạc trưởng Trần Vương Thạch với khán giả.

Những ai đã đồng hành cùng Giai điệu trẻ ba năm nay sẽ thấy có những điều bất thường trở thành bình thường, thậm chí… phi thường. Chẳng hạn, hiếm có suất diễn hàng tháng nào của chương trình mà không ắp đầy khán giả - hình ảnh đáng mơ ước của nhiều chương trình nghệ thuật hàn lâm.

Dem giao huong la thuong

Tưởng đâu chuyện khán giả ngồi bệt ngoài phố thưởng thức nhạc cổ điển trong Luala concert tại Hà Nội đã là khác thường, ấy vậy mà cũng tình huống đó xảy ra tại Nhà hát Thành phố (TP.HCM), người ta lại thấy đặc biệt hơn. Là bởi, với độ truyền âm tối ưu và không gian nghiêm nghị của khán phòng, nếu ai không thực sự yêu thích hoặc mong muốn tìm tòi về nhạc cổ điển sẽ khó lòng an vị đến phút cuối.

Bản thân nhạc trưởng Trần Vương Thạch cũng tỏ ra bất ngờ với sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả. Nhìn hình ảnh các bạn trẻ không ngại ngồi bệt khắp lối đi để thưởng thức nhạc hàn lâm, ông xúc động nói: “Tôi rất vui khi thấy đông đảo người trẻ đến xem buổi này, bởi chủ đề đêm nay tương đối khó, đó là xác định cấu trúc của một bản nhạc giao hưởng và làm sao để nhận biết các chủ đề trong từng tác phẩm”.

Dàn nhạc chỉ chơi chương I trong tác phẩm From the new world (Từ thế giới mới) của Antonín Dvořák trong vòng 12 phút, thời gian một tiếng rưỡi còn lại, đích thân Giám Đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM dẫn dắt buổi chuyện trò cùng khán giả. “Đừng ngại đặt câu hỏi, chúng tôi sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của các bạn và chơi lại bất kỳ giai điệu nào (trong chương I - PV) theo yêu cầu”.

Dem giao huong la thuong

Bằng phong thái điềm đạm và ân cần, ông giảng giải cặn kẽ về các thành phần trong dàn nhạc, sơ lược về nguồn gốc hình thành nhạc giao hưởng, làm thế nào để hiểu được nhạc không lời. Kèm theo đó là minh họa trực quan từ dàn nhạc để người nghe phân biệt được âm thanh của các loại nhạc cụ, nhận biết đoạn mở đầu - phát triển chủ đề - kết thúc của từng chương, vòng lặp giai điệu, khi nào thì nên vỗ tay…

Gần gũi, thân thiện và nghiêm túc, có cảm giác như đây là một lớp học về nhạc cổ điển, ở đó, “thầy” và “trò” tranh luận vô cùng sôi nổi và không ngại phản biện. Có bạn chưa phân biệt được đoạn phát triển chủ đề, dàn nhạc liền chơi lại để người nghe nhận diện. Có bạn “bắt bẻ” vì sao chương I có vài đoạn chơi không giống như bản trong đĩa, Trần Vương Thạch và violist Tăng Thành Nam đứng ra giải thích từ tốn. Có bạn mới lần đầu đi nghe nhạc giao hưởng, hào hứng mang theo máy quay phim và ghi âm để thu lại “về nhà nghiên cứu”.

“Tôi nói nãy giờ, các bạn có thấy nhạc hàn lâm không khó nghe chút nào đúng không?” - vị nhạc trưởng hỏi. Những tràng vỗ tay thích thú vang lên như một sự đồng tình từ phía khán giả.

Dem giao huong la thuong

Ông nói tiếp: “Giai điệu là phần quan trọng nhất của một tác phẩm có lời, bởi dẫu quên lời thì chúng ta vẫn là lá la theo giai điệu. Nền khí nhạc sơ khai được hình thành từ những giai điệu rất đơn giản như thế. Trải qua quá trình tổ chức và sắp xếp lại giai điệu mới tạo thành những tác phẩm giao hưởng phức tạp như ngày nay. Do vậy, đừng áp đặt cảm xúc khi nghe nhạc cổ điển, chỉ cần biết xem tim mình rung ở nhịp mấy, nhớ đến ai khi nghe giai điệu nào, nghĩa là bạn đã hiểu được âm nhạc rồi đó. Còn phần kỹ thuật, hãy để chúng tôi lo”.

Người viết xin mượn lời nhận xét của một bạn trẻ trên trang cá nhân để chốt lại cuộc hành trình lạ thường với Giai điệu trẻ tháng Năm: “Đêm nhạc này có thể sẽ không thoả mãn những người yêu nhạc cổ điển bởi phần biểu diễn khá ngắn. Chỉ là chương I của bản giao hưởng Từ thế giới mới của Dvořák. Tuy nhiên, đêm nhạc này lại rất tuyệt vời với những người nghe nhạc amateur (nghiệp dư - PV) khi nhạc trưởng Trần Vương Thạch và dàn nhạc đã diễn giải hết sức chi tiết, từ nhạc cụ đến cách thưởng thức loại hình âm nhạc bác học này. Đi nghe xong, dù mình không trở thành bác học ngay nhưng “chú học” là OK. Nhờ đó, mình hiểu thêm được về vai trò của nhạc trưởng, hoá ra “ổng” không phải là người “múa minh họa” cho dàn nhạc đâu nhe. Dứt khoát, tháng sau mình sẽ không thể bỏ qua Giai điệu trẻ, hẹn gặp lại 29/6!”.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI