'Đêm chong đèn ngồi nhớ lại...'

15/05/2019 - 11:30

PNO - '11 năm tù đày, trong đó có bốn năm ở Côn Đảo, rất nhiều bạn tù là phụ nữ đã cùng tôi đi qua gian khó, khốc liệt, như Xuân, Hoa, Cúc, bé Sáu, Thanh… giờ đã yên nghỉ tại nghĩa trang Hàng Dương này'.

 Giữa nghĩa trang Hàng Dương, bà Trương Mỹ Hoa khóc và bao người đều khóc.

“Chiến đấu, chiến đấu và chiến đấu"

Khuya 26/4, khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đón nhận Huân chương Lao động hạng III. Lễ trao được thực hiện ngay trong khuôn viên nghĩa trang Hàng Dương. Các cựu tù Côn Đảo và du khách cũng có một đêm trắng ở nơi hàng ngàn người con ưu tú của đất nước đang yên nghỉ. 
Có một nữ cựu tù mà chắc hẳn nhiều người đều biết, đó là nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Bà cho biết, mỗi năm đều về Côn Đảo vài lần để thăm di tích nhà tù và thắp nhang cho đồng đội, nhưng cảm xúc của bà vẫn nguyên vẹn. Mảnh đất này như là quê hương, là máu thịt của bà. “11 năm tù đày, trong đó có bốn năm ở Côn Đảo, rất nhiều bạn tù là phụ nữ đã cùng tôi đi qua gian khó, khốc liệt, như Xuân, Hoa, Cúc, bé Sáu, Thanh… giờ đã yên nghỉ tại nơi đây - nghĩa trang Hàng Dương này” - bà Hoa khóc và bao người đều khóc. 

'Dem chong den ngoi nho lai...'
Thiếu tá - thương binh Trần Bằng Đoàn đứng lặng trong khu di tích Chuồng Cọp, nhà tù Côn Đảo

Ngày ấy, để chống lăn tay, chụp hình nhằm bẻ gãy âm mưu đánh đồng người tù chính trị với trộm cướp, mỗi ngày, bà và bạn tù đã mài các đầu ngón tay xuống nền xi măng đến bật màu nhằm làm hỏng dấu vân tay. “Chụp hình cũng vậy, chúng tôi dặn nhau lè lưỡi, há họng nhằm làm biến dạng gương mặt, khiến địch không chụp được gương mặt thật” - cựu phó chủ tịch nước kể. 

Không bút mực nào tả xiết những âm mưu quỷ quyệt và sự hành hạ người tù tàn ác cả về thể xác lẫn tinh thần của địch. Tuy nhiên, những người tù yêu nước như bà Trương Mỹ Hoa đã biến địa ngục trần gian ấy thành trường học lớn về chí khí cách mạng. “Thời thanh xuân của chúng tôi, sống và chiến đấu là con đường không thể nào khác, con đường ấy hướng về nhân dân cùng lời thề Tổ quốc trên hết”, bà Trương Mỹ Hoa đúc kết. 

Một cựu tù Côn Đảo khác là ông Hứa Phước Ninh - nguyên Bí thư huyện Côn Đảo - chia sẻ: “Đối với chúng tôi, khi đã bị bắt vào Côn Đảo, dù là tập thể hay cá nhân thì vẫn quyết tâm chiến đấu, chiến đấu và chiến đấu”. Sinh ra ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, 18 tuổi, ông Ninh theo cách mạng với nhiệm vụ đầu tiên là dạy học ở vùng giải phóng tại Trường tiểu học Huỳnh Thị Ri. Năm 1966, ông được điều động vào nội thành hoạt động hợp pháp trong vai trò Bí thư chi đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng thị xã Bạc Liêu nhằm tập hợp lực lượng chuẩn bị cho cách mạng. Cơ sở bị lộ, ông bị bắt vào Khám lớn (thị xã Bạc Liêu). Gông cùm, xiềng xích cùng những đòn tra tấn khốc liệt không làm nhụt chí người tù yêu nước. Ngày 19/5/1968, ông Hứa Phước Ninh được chi bộ nhà lao Bạc Liêu kết nạp Đảng ngay trong tù. Đến năm 1969, bản án năm năm tù với tội danh “phá rối trị an” mà Tòa án Quân sự mặt trận lưu động ở Cần Thơ tuyên đã chính thức đày ông ra địa ngục trần gian Côn Đảo. Bị nhốt biệt lập, nếm trải bao nhiêu đòn tra tấn tàn bạo trong chuồng cọp, ông vẫn kiên trì đấu tranh chống chào cờ của chế độ Sài Gòn, chống khổ sai, giữ tròn khí tiết cách mạng. Ngày Côn Đảo được giải phóng, ông là một trong 150 tù chính trị tình nguyện ở lại xây dựng vùng đất này. 

Lặng lẽ Hàng Dương

22g13, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng III cho Ban Quản lý khu Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Côn Đảo. Bà nói, trên mảnh đất này, thời gian càng về khuya càng ý nghĩa. 

Sau 0g, người đến viếng nghĩa trang càng đông. Những bó hoa huệ trắng tỏa hương ngào ngạt. Trong lúc rất nhiều du khách tề tựu bên mộ chị Võ Thị Sáu thì ở góc tối nhất của nghĩa trang, bà Năm Dầng (Nguyễn Thị Dầng, 72 tuổi, ở P.Phước Long A, Q.9, TP.HCM) lặng lẽ đi thắp nhang cho các mộ phần. Tôi theo chân bà và nghe trong mùi nhang khói tiếng nấc nghẹn của người già. 

Bà Năm Dầng có hai em trai là Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Văn Được là liệt sĩ. Thời con gái, bà làm ruộng, trồng rau, tiếp tế cho bộ đội. Đêm nào giặc bố ráp, bà treo đèn làm tín hiệu để bộ đội biết mà đừng lên xóm. “Hồi đó, để ngụy trang, trong đôi quang gánh, tôi để gạo, rau, quần áo cho anh em phía dưới, ở trên tôi để phân bò khô. Bị kiểm tra, tôi nói đi lượm phân về bón rau”, bà Năm Dầng nhớ lại. Khu bếp nhà bà đào hầm cất giấu gạo, quần áo, thuốc men… cho bộ đội. “Biết là nguy hiểm, nhưng có sợ gì đâu, các em tôi cũng ra mặt trận kia mà”, bà Năm Dầng sụt sịt. Mậu Thân 1968, nhà trúng bom cháy rụi, còn bà bị bắt, bị tra tấn. Địch đưa bà qua ty cảnh sát, bốt Hàng Keo, rồi nhà tù Thủ Đức, nhưng tới đâu bà cũng một mực “tôi không biết gì cả, tôi trồng rau”. 

Cũng như bà Năm Dầng, trong một góc tối khác là hai ông bạn già, thiếu tá hải quân, thương binh 3/4 Trần Bằng Đoàn, 73 tuổi, ở P.Linh Trung, Q.Thủ Đức và nhà giáo Lê Văn Hiến, 74 tuổi, Q.9, cứ ngồi miết tay lên thành mộ run run. Quê hai ông đều ở Hải Hậu, Nam Định. 18 tuổi, ông Đoàn vào quân ngũ, còn ông Hiến theo nghề giáo. Qua cuộc bể dâu, các ông lại gặp nhau giữa Sài Gòn, mừng mừng tủi tủi. Nghe tin Hội LHPN P.Phước Bình, Q.9, tổ chức về nguồn tại Côn Đảo, hai ông đã xin tháp tùng. “Ra Côn Đảo là tâm nguyện của tôi. Thăm nghĩa trang Hàng Dương rồi thăm di tích nhà tù, tôi đau lắm, tim mình như thắt lại. Mong rằng tất cả người dân Việt, dù ở tuổi nào cũng hãy thăm Côn Đảo một lần để hiểu sâu sắc hơn, để luôn ghi nhớ máu xương cha ông đã ngã xuống cho ngày hòa bình hôm nay”, thiếu tá Trần Bằng Đoàn chia sẻ. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI