DeepSeek và 1 tháng gây náo loạn thế giới

17/02/2025 - 14:49

PNO - Trong 1 tháng qua, DeepSeek đã gây ra tranh luận trên nhiều khía cạnh: an ninh, kinh tế... tại nhiều quốc gia như: Mỹ, Ý, Úc...

Trong 1 tháng qua, DeepSeek là chủ đề được bàn luận sôi nổi trên toàn cầu
Trong 1 tháng qua, DeepSeek là chủ đề được bàn luận sôi nổi trên toàn cầu

Mới đây, ứng dụng DeepSeek bị gỡ trên App Store, Google Play và một số kho ứng dụng khác tại Hàn Quốc. Việc này diễn ra trong bối cảnh Uỷ ban Bảo vệ thông tin cá nhân của Seoul đang xem xét hoạt động của ứng dụng này đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật sở tại.

Trước đó vào trung tuần tháng 2, Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) của Hàn Quốc cho rằng DeepSeek thu thập dữ liệu cá nhân quá mức, sử dụng mọi dữ liệu đầu tư cho sự phát triển. Từ đó, NIS kêu gọi các cơ quan chính phủ thực hiện biện pháp phòng ngừa an ninh đối với ứng dụng này. Ngoài ra, phía NIS cũng cho rằng thông tin DeepSeek đưa ra không chính xác.

Ngày 6/2, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết chặn DeepSeek trên máy tính quân sự có kết nối Internet. Trước đó, Ủy ban Bảo vệ Thông tin cá nhân Hàn Quốc (PIPC) đã yêu cầu chủ sở hữu DeepSeek làm rõ cách thức quản lý thông tin người dùng.

Động thái của phía Hàn Quốc nối dài những ồn ào liên quan đến DeepSeek, sau khi đơn vị này ra mắt DeepSeek R1 hay DeepSeek V3 vào cuối tháng 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhận định sự phát triển của DeepSeek là lời cảnh tỉnh cho các công ty công nghệ của Mỹ, nhằm nâng cao tính cạnh tranh, tìm giải pháp.

Đầu tháng 2, Open AI (đơn vị sở hữu ChatGPT) chính thức giới thiệu mô hình o3-mini, được quảng bá chạy nhanh hơn, ít tốn kém hơn. Động thái này cũng được cho là sự cạnh tranh với DeepSeek. Tuy nhiên, theo các đánh giá thì mô hình này không vượt được DeepSeek R1 trong hầu hết trình kiểm tra điểm chuẩn.

Mỹ tiến hành đánh giá tác động của DeepSeek đối với an ninh quốc gia vào cuối tháng 1. Cùng thời điểm này, Hạ viện Mỹ cấm nhân viên trên điện thoại, máy tính và tablet tại văn phòng do lo ngại nguy cơ phát tán phần mềm độc hại.

Đầu tháng 2, Cơ quan Hàng không và vũ trụ NASA cũng ra thông báo cấm nhân viên truy cập DeepSeek.

Ngoài ra, bang Texas cũng ban hành lệnh cấm các ứng dụng AI và mạng xã hội Trung Quốc như DeepSeek, RedNote, Lemon8 trên thiết bị chính phủ. Nhân viên cũng không được tải xuống trên thiết bị cá nhân. Trước đó, hải quân Mỹ đã chỉ thị cho các thành viên của lực lượng không sử dụng ứng dụng này trong bất kỳ trường hợp nào.

Sự phát triển của DeepSeek kéo theo nhiều quan ngại về an ninh
Sự phát triển của DeepSeek kéo theo nhiều quan ngại về an ninh, bảo mật thông tin tại nhiều quốc gia

Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia cũng cấm DeepSeek. Ấn Độ cấm công chức dùng ứng dụng AI như DeepSeek vì lo ngại tính bảo mật của chính phủ, dữ liệu và tài liệu. Úc cấm cài DeepSeek trên các thiết bị chính phủ. Ý là quốc gia đầu tiên cấm ứng dụng AI từ Trung Quốc, vào hôm 28/1, bằng cách xoá ứng dụng trên App Store và Google Play.

Ngoài vấn đề an ninh, bảo mật dữ liệu, có nhiều yếu tố khác khiến DeepSeek trở thành đề tài được toàn cầu chú ý. OpenAI từng bày tỏ nghi ngờ DeepSeek sử dụng các mô hình độc quyền của mình để đào tạo ra chatbot cạnh tranh; dù việc này bị phía OpenAI cấm. Thậm chí, đơn vị này cho biết có bằng chứng, nhưng không công bố cụ thể. DeepSeek cũng được cho là có học hỏi từ Meta. Tuy nhiên, Deepseek giữ im lặng trước những thông tin bất lợi này.

DeepSeek từng công bố xây dựng AI với chi phí dưới 6 triệu USD, dùng GPU hiệu năng thấp. Nhưng CEO Scale AI - Alexandr Wang hay tỷ phú Elon Musk đều cho rằng con số này còn hơn nhiều; thậm chí hoài nghi đơn vị này lách luật bằng cách chạy các mô hình AI trên chip tiên tiến ở một quốc gia khác.

Cuối tháng 1, vàng, chứng khoán tại Mỹ bị bán tháo do các nhà đầu tư tập trung vào DeepSeek, cạnh tranh với phía Thung lũng Silicon, nơi cũng đang đầu tư, phát triển công nghệ mạnh của Mỹ.

Giá vàng thế giới sụt giảm trong ngày 27/1
Giá vàng thế giới sụt giảm trong ngày 27/1

Cuối tháng 1, tài sản của CEO Nvidia - Jensen Huang giảm 20 tỷ USD do DeepSeek, khiến cổ phiếu của hãng chip này giảm 17%. Trung tuần tháng 2, tỷ phú Elon Musk mất 16 tỷ USD một ngày cũng liên quan DeepSeek.

Đối thủ của Tesla là BYD công bố hợp tác với DeepSeek, cung cấp hệ thống tương tự Autopilot của Tesla trên hầu hết mẫu xe mới, dấy lên lo ngại hãng xe của Elon Musk tụt hậu trong cuộc cạnh tranh.

Sự phát triển của DeepSeek cũng được các chuyên gia đánh giá có khả năng đưa nhân tài AI rời Mỹ về quê hương. Theo số liệu do Macro Polo (Mỹ) công bố vào tháng 4/2024 có 47% tài năng AI hàng đầu sản sinh từ Trung Quốc trong năm 2022. Trong khi đó, con số này chỉ là 18% với Mỹ. Theo phản ánh, có sinh viên sau khi hoàn thành chương trình học tại Mỹ quyết định về Trung Quốc, trước sự phát triển của DeepSeek.

Một thông tin đáng chú ý gần đây là một công ty Trung Quốc tuyên bố sa thải nhân viên, có phòng ban lên đến 95% khi ứng dụng AI, trong đó nổi bật là DeepSeek. Điều này mở màn cho những cuộc tranh luận về tương lai của lao động khi AI ngày càng phát triển.

Ở mặt ngược lại, DeepSeek là ứng dụng AI phát triển nhanh nhất thế giới, có 22 triệu người dùng hàng ngày sau 20 ngày ra mắt. Các hãng xe Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh sử dụng DeepSeek. Tim Cook cũng từng khen ngợi sự đổi mới từ thương hiệu này.

Ứng dụng này cũng vào top 10 ứng dụng miễn phí tại 111 quốc gia trên App Store và 18 quốc gia trên Google Play. Số lượt tải xuống ứng dụng này cũng rất ấn tượng với 1 triệu lượt vào ngày 24/1 nhưng 3 ngày sau tăng lên 2,6 triệu lượt…

Hà Anh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI