|
Một nạn nhân đến tòa soạn Báo Phụ Nữ TP.HCM cầu cứu vào sáng 15/3 |
Bị dị ứng, vẫn không cho trả mỹ phẩm
Chị N.T.T. (SN 1985, ngụ tại Q. Thủ Đức, TP.HCM) rời quê (miền Trung) vào TP.HCM làm thuê với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Vợ chồng chị phải chi tiêu dè xẻn mới đủ nuôi hai con nhỏ; chưa bao giờ chị dám bỏ tiền ra mua một lọ mỹ phẩm có giá trên 100.000 đồng. Vậy mà, chỉ sau vài giờ đi “trải nghiệm” với mỹ phẩm Deaura, chị T. đã “ôm” một bộ mỹ phẩm cùng với khoản nợ 43 triệu đồng.
Ngày 9/2, chị T. nhận được cuộc gọi của nhân viên Deaura mời đến trải nghiệm sản phẩm và soi da miễn phí tại Công ty TNHH Chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Daisy (số 185 - 187 Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM). Nhân viên của Deaura còn dặn: “Nếu lo bị lừa thì đừng mang theo tiền, chỉ cần đem theo chứng minh nhân dân”.
Đến nơi, chị được “tư vấn” từ 10g30 đến 14g. Bụng đói, mắt mờ nhưng nhân viên tư vấn mời mua hàng dồn dập. “Họ nói em cứ mang về dùng đi, đến ngày 5/3 mới phải đóng tiền. Không hiểu thế nào, lúc đó em lại ký; khi về nhà, coi lại hợp đồng, mới biết mình đã vay ngân hàng, phải trả góp gần 2 triệu đồng/tháng, trong vòng 2 năm” - chị T. buồn rầu.
Sáng hôm sau, chị T. tìm đến công ty trả hàng thì được hướng dẫn đến cơ sở của Deaura ở số 407 Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM. Chị T. trình bày lý do không có khả năng chi trả, bộ phận xử lý khiếu nại của Deaura yêu cầu chị làm chứng minh tài chính, chứng minh có con nhỏ.
Chị T. kể: “Họ nói mình làm giấy tờ rồi gửi email đến công ty. Tôi gửi email nhiều lần nhưng không thấy phản hồi. Khi tôi mang giấy tờ đến công ty, họ kiểm tra rồi nói có một sản phẩm bị lệch tem nên không trả được. Tôi nói, sản phẩm này bị chính nhân viên của công ty bóc ra, nhưng họ phủ nhận”. Từ đó đến nay, chị T. liên tục đến công ty yêu cầu trả sản phẩm nhưng không được giải quyết, trong khi ngày đóng tiền ngân hàng đã cận kề.
Chị N.H. (SN 1993, ngụ tại Q. Tân Bình, TP.HCM) mua mỹ phẩm Deaura tại Công ty TNHH Chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe ATHENA (134 - 134A Lê Hồng Phong, Q.10) vào ngày 2/3. Hôm sau, nhận thấy không đủ điều kiện trả góp bộ sản phẩm 43 triệu đồng, chị N.H. mang đến xin trả lại nhưng phía Deaura không đồng ý.
Chiều 9/3, chị N.H. trở lại công ty để kiểm tra lại sản phẩm một lần nữa. Khi thử mỹ phẩm, chị H. bị ngứa và nóng phần mặt nhưng “bác sĩ” của Deaura chỉ kiểm tra sơ qua rồi để chị về nhà lúc 18g trong tình trạng mặt vẫn còn ngứa. Hôm sau, chị đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám và được kết luận “viêm da dị ứng tiếp xúc”.
Ngày 13/3, chị H. đến cơ sở của Deaura ở số 407 Tô Hiến Thành yêu cầu giải quyết cho trả sản phẩm do chị bị dị ứng, nhưng phía công ty không giải quyết, dù trước đó, đại diện công ty nói các trường hợp bị dị ứng sẽ được đổi trả sản phẩm.
Chị T.N.T.N. (SN 1990, ngụ tại Q.5, TP.HCM) mua sản phẩm từ tháng 10/2017 tại cơ sở của Deaura trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1). Sau đó, hằng tháng, chị N. đều đặt lịch hẹn để xin trả sản phẩm do gặp các vấn đề về da, nhưng đến nay, vẫn không được giải quyết. Đến tháng 3/2018, da mặt chị N. thường xuyên nổi mẩn đỏ, mụn ẩn nhiều, khi thoa sản phẩm bị ngứa, bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM kết luận chị bị viêm da và khuyến cáo ngưng sử dụng sản phẩm.
VPbank và Kiểu cho vay bất chấp
Nhiều khách hàng của Deaura cho biết, họ dễ dàng bị biến thành con nợ là do nhân viên tư vấn mập mờ và thủ tục vay ngân hàng khi mua mỹ phẩm ở Deaura dễ dàng đến khó tin. Chị N.H. làm giáo viên với thu nhập chỉ 3 triệu đồng/tháng, nhưng khi kê khai thu nhập để vay tiền mua mỹ phẩm Deaura, nhân viên Ngân hàng VPBank đã tự ý khai tăng lên 7 triệu đồng/tháng.
“Tôi hỏi sao khai tăng lên như vậy thì nhân viên nói chỉ là thủ tục, không có vấn đề gì. Sau đó, họ đưa cho tôi một bản hợp đồng không có đóng mộc đỏ của ngân hàng. Họ nói sẽ gửi hợp đồng vay có dấu đỏ cho tôi nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được” - chị H. chia sẻ.
Cũng theo chị H., một ngày sau khi ký vào giấy vay tiền mua mỹ phẩm, chị có liên hệ với Ngân hàng VPBank đề nghị ngưng giải ngân, nhưng phía ngân hàng yêu cầu chị phải giải quyết với Deaura.
Trong trường hợp này, theo luật sư Nguyễn Tri Đức - Giám đốc Công ty Luật 360, Đoàn Luật sư TP.HCM, khách hàng ký hợp đồng vay tiền với ngân hàng, khi không có nhu cầu vay thì có quyền yêu cầu ngưng giải ngân và ngân hàng phải chấp thuận. Còn chuyện mua mỹ phẩm là giao dịch giữa công ty bán mỹ phẩm và khách hàng, không liên quan đến ngân hàng.
Bà K.X. (ngụ tại Q. Tân Phú, TP.HCM) thường xuyên bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ do vay ngân hàng mua mỹ phẩm Deaura từ tháng 12/2017 nhưng không có khả năng trả. Bà X. lắc đầu: “Chưa bao giờ tôi thấy ngân hàng cho vay 43 triệu đồng mà dễ dàng đến vậy, ký tên là ngân hàng giải ngân cho Deaura liền. Họ chưa đưa hợp đồng cho tôi, chưa thẩm định gì cả mà đã giải ngân rồi bắt tôi đóng tiền hằng tháng”.
|
Bà K.X. liên tục bị Ngân hàng VPBank gọi điện, nhắn tin đòi nợ |
Chị T.N.T.N. cho biết, sau mấy tháng ký vay tín dụng để mua mỹ phẩm, chị liên tục đến ngân hàng VPBank đòi hồ sơ có dấu mộc đỏ của ngân hàng, mới được ngân hàng cung cấp. Đối chiếu hồ sơ đang giữ và hồ sơ có mộc đỏ ở ngân hàng, chị N. phát hiện có nhiều điểm khác nhau.
Theo đó, trong hồ sơ “cán bộ tín dụng” đưa cho khách hàng tại Deaura, nhân viên ngân hàng ký tên là ông Đ.T.Đ. nhưng trong hồ sơ có mộc đỏ ngân hàng giữ, nhân viên ngân hàng ký tên là ông N.Đ.K. Theo hồ sơ vay có đóng mộc đỏ, VPBank đã giải ngân khoản vay của chị chỉ trong vòng sáu ngày.
Theo chị N., cách cho vay của VPBank dễ dãi đến mức khó tin, không cần thẩm định hồ sơ, khách muốn khai khống thu nhập sao cũng được. Chị N. nghi ngờ có sự cấu kết giữa ngân hàng với Deaura để nhanh chóng biến khách hàng thành con nợ.
Ngân hàng có cấu kết với Deaura đưa người tiêu dùng vào bẫy nợ?
Theo luật định, người tiêu dùng muốn mua sản phẩm trả góp thì phải ký hợp đồng tín dụng vay của ngân hàng và đơn vị liên kết (bên bán), có đơn xin đề nghị vay, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu… Nếu giá trị sản phẩm mua trên 30 triệu đồng, bắt buộc phải có bảng lương được sao kê (công chứng). Hợp đồng cũng phải có thông tin về mục đích vay, với giá tiền cụ thể; người có nhu cầu vay phải chờ tổ chức tín dụng thẩm định trong thời gian nhất định, nếu đạt yêu cầu mới được cho vay; phải có đại diện và được đóng dấu đỏ của ngân hàng.
Đối chiếu những quy định nêu trên, dựa vào thông tin bạn đọc phản ánh, rõ ràng đã có những khuất tất trong quy trình liên kết bán sản phẩm giữa Deaura và ngân hàng cho khách hàng. Bên bán đã có dấu hiệu giăng bẫy, đánh vào sự cả tin, ham khuyến mãi của khách hàng dù họ chưa hiểu rõ nội dung các hợp đồng tín dụng, từ đó không lường trước được các tình huống pháp lý sau này.
Riêng về phía ngân hàng liên kết, tôi cho rằng, chính đơn vị này cũng đang mạo hiểm, đưa mình vào rủi ro khi không nắm rõ thông tin về tài chính thực sự của khách hàng mà vội vàng ký kết giao dịch. Để bảo vệ người tiêu dùng, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ: có hay không việc ngân hàng cấu kết với Deaura để đưa người tiêu dùng vào bẫy làm con nợ?
Luật sư Nguyễn Tri Đức - Giám đốc Công ty Luật 360, Đoàn Luật sư TP.HCM
|
Nhóm phóng viên