Để y tế miền Tây thêm nhiều điểm sáng

16/08/2024 - 12:59

PNO - Đầu tư xứng đáng cơ sở vật chất,cho các cơ sở y tế trọng điểm ở ĐBSCL để nơi đây tiếp tục là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản lớn...

Người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lặn lội đến những cơ sở y tế chuyên khoa ung bướu ở TPHCM để khám và điều trị là hình ảnh phổ biến trong hàng chục năm qua.

Các nữ bệnh nhân lớn tuổi nằm chen chúc chờ xạ trị ở Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ
Các nữ bệnh nhân lớn tuổi nằm chen chúc chờ xạ trị ở Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ

Theo thống kê của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, trong năm 2023, hơn 82% bệnh nhân khám, chữa bệnh ở bệnh viện này là từ các địa phương khác, trong đó gần 40% từ 13 tỉnh ĐBSCL. Sở dĩ người dân vùng Tây Nam Bộ phải đi xa chữa bệnh hiểm nghèo là vì cả vùng chỉ có vài cơ sở điều trị ung bướu, trong đó cơ sở lớn nhất là Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ lại xuống cấp, máy móc cũ kỹ và quá tải bệnh nhân. Trong khi Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ quá tải bệnh nhân thì dự án xây dựng bệnh viện ung bướu mới cách đó không xa phải dừng lại 7 năm nay trong tình trạng xây dang dở.

Ung thư là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng ở nước ta. Theo công bố của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020, có hơn 350.000 người Việt đang sống với bệnh ung thư và cứ 100.000 dân thì có 159 người mắc mới ung thư hằng năm. Vùng ĐBSCL có khoảng 18 triệu dân, nếu tính theo tỉ lệ trên thì mỗi năm, có gần 30.000 người mắc mới ung thư và số người sống với bệnh ung thư ở đây khoảng hơn 50.000.

Trong điều kiện trang thiết bị hoạt động tốt và cơ sở đầy đủ, việc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho số bệnh nhân này đã là thách thức, huống gì trong điều kiện cơ sở xuống cấp, máy xạ trị cũ kỹ như ở Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ hiện nay.

Nhưng không chỉ có bệnh ung thư. Mỗi ngày, có hàng ngàn người dân ĐBSCL đến TPHCM chữa nhiều loại bệnh khác mà một phần là do các bệnh viện địa phương xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu hoặc thời gian chờ điều trị quá lâu.

Thật ra, có nhiều cơ sở y tế ở ĐBSCL hoạt động tốt. Chẳng hạn như vào tháng Sáu năm nay, Bệnh viện Tim mạch An Giang đã được Hội Đột quỵ thế giới (WSO) trao giải thưởng Kim cương do năng lực điều trị xuất sắc bệnh đột quỵ. Bệnh viện này cũng đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao như mổ tim hở, can thiệp mạch vành, điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần không thua kém các bệnh viện lớn ở TPHCM. Một số bệnh viện khác ở ĐBSCL cũng mạnh về lĩnh vực sản - nhi. Đáng tiếc là những điểm sáng này chưa nhiều và chưa tương xứng với vị thế của vùng đất mỗi năm đóng góp hơn 10% GDP cả nước.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều quyết sách nhằm phát triển mạnh mẽ ĐBSCL về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định của cấp trung ương, vào tháng 7/2023, ngành y tế TPHCM đã ký thỏa thuận hợp tác với các tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2023-2025 để giảm tải cho hệ thống y tế TPHCM và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân vùng ĐBSCL. Điểm mới của thỏa thuận là phát triển mạng lưới các chuyên khoa theo quy mô vùng ĐBSCL đối với các bệnh lý nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao như ung thư, đột quỵ, tim mạch, ngoại chấn thương, sản khoa, nhi khoa.

ĐBSCL là vùng đất quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước nhưng cũng là nơi hứng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Đầu tư xứng đáng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế trọng điểm ở vùng này không chỉ giúp người dân nơi đây có thể khám chữa bệnh tại chỗ thuận lợi, dễ dàng mà còn giúp họ có được sức khỏe tốt để chống chọi với những tác động của biến đổi khí hậu, tiếp tục bám đất sản xuất để vùng Tây Nam Bộ tiếp tục là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản lớn của cả nước.

Phan Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI