Đề xuất vay vốn Trung Quốc làm đường cao tốc 230.000 tỷ: Quá nhiều bài học

29/10/2016 - 07:01

PNO - ''Các dự án gang thép Formosa, nhà máy đạm Ninh Bình, nhà máy xơ sợi... Tất cả đều đang có vấn đề...Tất cả các dự án sử dụng nguồn vốn vay từ Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đều phải cảnh giác''

Vừa qua, tại tọa đàm ''Giải đáp câu hỏi nóng về đầu tư cao tốc Bắc – Nam'', TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đã chỉ rõ với tổng vốn đầu tư 230.000 tỷ đồng là bài toán khó cho vốn vay nội địa.

Chính vì thế, theo ông Nghĩa, có thể hướng doanh nghiệp vay vốn từ nước ngoài, nên chọn Trung Quốc để tránh rủi ro về tỷ giá.

De xuat vay von Trung Quoc lam duong cao toc 230.000 ty: Qua nhieu bai hoc
Ảnh minh họa

Không nên

Về đề xuất này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương đoàn Quảng Bình khẳng định: "Tất cả dự án sử dụng vốn Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc đều có vấn đề và phải cân nhắc".

Trả lời về việc, trong bối cảnh gánh nặng nợ công cao, sức ép trả nợ sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, có nên đặt vấn đề đi vay để đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc Nam hay không, ông Phương cho rằng: ''Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, xây dựng một tuyến đường cao tốc Bắc - Nam là rất cần thiết, tuy nhiên, không nên thực hiện đồng bộ ngay một lúc.

Dự án nên được thực hiện theo từng giai đoạn, với một lộ trình cụ thể. Đoạn nào cần thiết, quá tải thì làm trước, đoạn nào chưa cần thì làm sau. Ví dụ như tuyến đường từ Hà Nội - Vinh, tuyến Sài Gòn - Nha Trang... Thực hiện từng giai đoạn là để đảm bảo an toàn nợ công cũng như tận dụng được lợi thế khai thác, vận chuyển của tuyến giao thông QL1A vừa được cải tạo, nâng cấp.

Về nguồn vốn 230.000 tỷ là con số rất lớn, chắc chắn khó có thể huy động được từ nguồn lực trong nước. Tôi thì cho rằng, vẫn nên sử dụng vốn ODA là tốt nhất.

Trong trường hợp phải đi vay vốn nước ngoài để thực hiện tuyến đường trên, theo tôi nên cân nhắc trong lựa chọn đơn vị vay. Tại Việt Nam, rất nhiều dự án sử dụng nguồn vốn từ Trung Quốc nhưng cũng tại rất nhiều những dự án đó đều có những vấn đề phát sinh về vốn, kỹ thuật trong quá trình triển khai.

Vì vậy, nếu vay vốn Trung Quốc thì phải xem xét lại các điều kiện ràng buộc đi kèm của bên cung cấp vốn là gì. Nếu sử dụng vốn Trung Quốc và lại tiếp tục phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc thì không nên.''

Đề cập đến vốn vay từ Trung Quốc, dư luận cũng như các chuyên gia đều lo ngại, bài học của đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ lặp lại. Việt Nam sẽ không chủ động được về nguồn vốn, công nghệ, chậm tiến độ, đội vốn...

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh: ''Hiện nay, không chỉ có đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang sử dụng vốn vay từ Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công. Hàng loạt các dự án lớn, trọng điểm khác cũng sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc và đều gặp trục  trặc như phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất hoặc bị tráo đổi công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể như các dự án gang thép Formosa, nhà máy đạm Ninh Bình, nhà máy xơ sợi... Tất cả đều đang có vấn đề. Điều này cho thấy, tất cả các dự án sử dụng nguồn vốn vay từ Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đều phải cảnh giác.

Bài học nhãn tiền vẫn còn đang hiện hữu trước mắt, chúng ta không thể xem thường. Đã đến lúc bỏ qua yếu tố giá rẻ, thủ tục dễ dài đối khi lựa chọn hợp tác với  các nhà thầu Trung Quốc, nguồn vay từ Trung Quốc.''

Ông Phương lưu ý, thực tế đã chứng minh, bất cứ dự án nào có liên quan tới yếu tố Trung Quốc đều bị đội vốn, chậm tiến độ hoặc sử dụng công nghệ, kỹ thuật lạc hậu khiến rẻ mà hóa đắt.

''Tôi lấy ví dụ, một dự án sử dụng vốn và nhà thầu Trung Quốc có giá bỏ thầu là 1 tỷ đồng, thời hạn hoàn thành là 1 năm. Nhưng khi thực hiện thi công dự án kéo dài tới 5 năm tức là đã kéo dài thời gian đưa vào sử dụng tới 4 năm. Như vậy, nếu dự án hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng sớm thì khả năng hoàn vốn sẽ nhanh hơn, có được tiền trả nợ sớm hơn.

Ngược lại, nếu sử dụng nguồn vốn của nước khác cao hơn là 2 tỷ, hoàn thành trong 1 năm. Nếu hoàn thành đúng tiến độ, dự án chỉ mất 2 tỷ và chỉ trong thời gian 1 năm đề hoàn vốn và trả nợ. Trong khi, với nhà thầu Trung Quốc, chúng ta phải mất 1 tỷ nhưng phải tới 5 năm để hoàn vốn và trả nợ.

Trong suốt 5 năm đó, chúng ta vẫn phải trả lãi suất vay và cả những chi phí trong quá trình điều chỉnh. Nếu để so sánh, rõ ràng nó sẽ đắt hơn rất nhiều so với việc sử dụng nguồn vốn và nhà thầu từ các nước khác'', ông Phương phân tích.

Xem xét kỹ lưỡng

Trước câu hỏi liệu chúng ta có tránh được vết xe đổ nói trên nếu cơ chế, cách thức đầu tư vẫn như hiện nay, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho biết: ''Theo ghi nhận của tôi, nếu lật giở lại lịch sử phát triển, hầu hết các dự án liên quan tới nhà thầu Trung Quốc, vay vốn Trung Quốc đều có vấn đề về tiến độ, đội vốn, kỹ thuật...

Chính vì thế, niềm tin vào nguồn vốn cũng như niềm tin với nhà thầu Trung Quốc không chỉ khiến dư luận, người dân mà ngay cả Quốc hội cũng rất lo lắng. Tôi cho rằng, cần phải xem xét thật kỹ lưỡng trong trường hợp này. Vay vốn không những rẻ mà còn phải coi trọng tới hiệu quả của dự án.''

Bộ GTVT vừa xin một số cơ chế đặc thù cho tuyến đường cao tốc Bắc-Nam: chỉ định thầu và lãi suất chỉ định là 14%, dư luận nghi ngại, có sự ưu ái đặc biệt từ phía quản lý cho nhà đầu tư BOT.

Thêm vào đó, nếu tiếp tục vay vốn nước ngoài, nhà đầu tư BOT sẽ không mất gì, còn trách nhiệm đóng tiền đường và trả nợ lại do người dân gánh chịu. Trước vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh:

''Tôi cũng đã nghe nói tới vấn đề này. Những thông tin tôi biết nói rằng, BOT là vấn đề mà lâu nay các đại biểu rất nghi ngờ nhưng chưa có cơ sở để làm rõ tính minh bạch của các công trình BOT.

Trong đó, cần phải làm rõ những đơn vị có liên quan đến xét duyệt dự án, vì việc xét duyệt dự án này là không minh bạch. Hơn nữa, tôi cho rằng có điểm gì đó chưa rõ ràng đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư BOT luồn lách, từ đó làm thất thoát tiền của Nhà nước, đặc biệt là làm tăng thêm lệ phí đối với người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT.

Theo tôi được biết, ở hầu hết các dự án BOT hiện nay các nhà thầu đều đang sử dụng một mánh lới tăng vốn đầu tư để buộc tăng vốn đối ứng.

Đây thực chất là động thái lấy vốn đối ứng (hay lấy tiền ngân hàng cũng chính là tiền gửi của người dân) biến thành vốn đầu tư để phục vụ lợi ích cho chính nhà thầu tại dự án đó. Còn thiệt hại nhà nước và người dân phải chịu. ''

Theo ông Phương, chính vì thế câu chuyện thất thoát, lợi ích nhóm trong đầu tư BOT vừa qua khiến dư luận rất bức xúc. Về cơ chế chỉ định thầu, phía Bộ GTVT cũng cần phải cân nhắc lại với những dự án tương tự.

Vừa rồi, có câu chuyện rất nhiều tuyến đường thực hiện theo cơ chế chỉ định thầu đã bộc lộ rõ những yếu kém, hạn chế như chưa xong đã hỏng, sụt lún, kém chất lượng khiến người dân bức xúc.

Nếu nhà đầu tư mà lại đứng ra chỉ định thầu thì không thể hiện được tính khách quan, minh bạch trong dự án. Do đó, dư luận hoàn toàn có quyền được nghi ngờ có yếu tố lợi ích nhóm, bao bọc cho sân sau tại những dự án trên. Kể cả với dự án đường cao tốc Bắc - Nam nếu vẫn thực hiện theo cơ chế đó.

Trong trường hợp nước ta vẫn quyết làm đường cao tốc Bắc - Nam và phải đi vay, nên tính toán phương án vay vốn thế nào, vay của ai, trong bối cảnh Pháp và nhiều nước Châu Âu cũng đã đặt vấn đề đầu tư cao tốc ở Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh:

''Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi cho rằng dự án này nếu muốn thực hiện phải được sự đồng ý của Quốc hội rồi mới tính tới phương án vay vốn từ nước nào, vay bao nhiêu.

Để lựa chọn nguồn vốn nào, vay bao nhiêu theo tôi Chính phủ phải lập hội đồng, trưng cầu ý kiến từ các chuyên gia, Bộ Tài chính, Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội để thẩm định, đánh giá chi tiết, cụ thể rồi mới xác định lựa chọn nguồn vốn nào, nhà thầu nào.

Nhưng cá nhân tôi vẫn cho rằng, lựa chọn nguồn vay và nhà thầu phải hướng tới uy tín của nhà thầu cũng như nguồn vốn trong thực hiện đúng tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, không kéo dài thời gian. Việc này trong lịch sử các nhà thầu Trung Quốc chưa làm được.''

Dương Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI