Đề xuất UBND cấp tỉnh được chấp thuận thí điểm để thực hiện nhà ở vừa túi tiền

03/01/2025 - 14:38

PNO - Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Theo HoREA, Nghị quyết số 171 đã cho phép thí điểm thực hiện phương thức tiếp cận đất đai thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, mà đất đó không phải là đất ở.

Tạo điều kiện để tăng thêm nguồn cung dự án nhà ở thương mại nhưng do có độ trễ từ chính sách đi vào thực tiễn và độ trễ của dự án nhà ở thương mại thường phải mất 3-5 năm để chuẩn bị đầu tư và do Nghị quyết số 171 được thực hiện thí điểm trong 5 năm.

Để tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại trong 3-8 năm, hiệp hội nhận thấy, bên cạnh việc hoàn thiện các phương thức tiếp cận đất đai để tăng nguồn cung dự án và tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại, góp phần kéo giảm giá nhà thì còn có một mục tiêu rất quan trọng cần đạt được khi triển khai đó là phải thúc đẩy việc tái cấu trúc thị trường bất động sản.

Một gốc khu đô thị Phú Mỹ Hưng quận 7, TPHCM.
Một gốc khu đô thị Phú Mỹ Hưng quận 7, TPHCM.

Trọng tâm là phải tái cấu trúc thị trường nhà ở thương mại để phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, nhất là tại một số đô thị lớn đang có tình trạng mô hình “kim tự tháp nhà ở” bị lộn ngược đầu, bị lệch pha sản phẩm nhà ở thương mại, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp, nhưng lại rất thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội dẫn đến giá nhà ở thương mại vẫn neo giá cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội.

Điển hình là thị trường nhà ở thương mại tại TPHCM trong 5 năm qua (2020-2024) đã cho thấy rất rõ tình trạng sụt giảm rất lớn nguồn cung dự án nhà ở thương mại, nhất là tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung sản phẩm nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội là loại nhà đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của đa số người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội.

Thống kê cho thấy, năm 2020, số lượng sản phẩm nhà ở giá vừa túi tiền chỉ có 163 căn, chiếm 1%, nhưng kể từ năm 2021 đến nay thì không còn sản phẩm nhà ở giá vừa túi tiền trên địa bàn TPHCM. Phân khúc nhà ở cao cấp liên tục chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trên thị trường nhà ở tại TPHCM và hiện nay toàn thị trường nhà ở với 100% nhà ở cao cấp.

Giá nhà vẫn “neo cao”, vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội, điển hình là giá nhà ở cao cấp trong 11 tháng đầu năm 2024 rất cao, bình quân lên đến 9,39 tỉ đồng/căn, mà đây mới chỉ là “giá nhà sơ cấp” do chủ đầu tư đăng ký giá nhà với Sở Xây dựng khi lập dự án đầu tư, nên chắc chắn giá bán nhà thực tế trên thị trường còn cao hơn nữa.

Do đó, Hiệp hội đề xuất quy định UBND cấp tỉnh được ưu tiên chấp thuận dự án thí điểm đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đề xuất thực hiện dự án nhà ở thương mại trung cấp hoặc dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI