Đề xuất tích hợp môn Sử: Đừng để tương lai trả giá đắt

10/11/2015 - 11:17

PNO - Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ tích hợp môn lịch sử vào môn học mới, trong khi chuyên gia Vũ Minh Giang khẳng định việc làm đó vô cùng nguy hiểm.

Ngày 9/11, phóng viên báo Phụ nữ TP HCM đã có cuộc trao đổi với GS. Vũ Minh Giang (Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn, ĐH QGHN) để tìm hiểu rõ hơn về đề xuất tích hợp môn Sử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

De xuat tich hop mon Su: Dung de tuong lai tra gia dat
GS. Vũ Minh Giang (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH QGHN).

PV: Vừa rồi, trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT, Bộ có đưa ra đề xuất để môn Lịch sử thành môn học tích hợp với các môn GDCD và AN-QP thành môn mới là Công dân với tổ quốc. Ông bình luận như thế nào về đề xuất này?

GS. Vũ Minh Giang: Việc dạy tích hợp là xu thế của giáo dục thế giới.  Cho nên, việc xây dựng các ngành mang tính tích hợp liên ngành là một xu thế tích cực và cần ủng hộ.

Tuy nhiên, việc tích hợp ấy lại phải có những căn cứ khoa học và phải được nghiên cứu một cách sâu sắc. Với trường hợp môn Lịch sử, đặt vấn đề đem tích hợp với các môn khác thì rõ ràng là chưa có sự nghiên cứu thấu đáo nào.

Thứ nhất, chúng ta phải hiểu môn Lịch sử không phải là môn cung cấp thông tin đơn thuần. Lịch sử có đối tượng của nó. Đây không phải là môn kiến thức chung chung để có thể lồng ghép được.

Ở cấp Phổ thông trung học, đặt vấn đề tích hợp môn Sử cũng đồng nghĩa việc đưa ra quan niệm, Lịch sử chỉ là thứ cung cấp cho mọi người biết chuyện này, chuyện kia trong mối quan hệ với cái nọ, cái kia chứ không hề chuẩn bị dạy môn này với tư cách là một ngành khoa học, một lĩnh vực khoa học. Quan niệm như vậy về mặt phương pháp luận là không đúng.

Thứ hai, ngoài ý nghĩa là một môn học, Lịch sử còn có một vị trí đặc biệt trong việc dung dưỡng ý thức dân tộc, chủ nghĩa yêu nước. Có thể cho rằng, nếu như giáo dục lịch sử mà không đến nơi đến chốn thì dân tộc ấy sớm muộn cũng vong bản (mất đi nguồn gốc, gốc rễ của mình). 

Đề xuất tích hợp môn Sử Việc dường như mới chỉ xuất phát với nghĩ đơn giản là ghép môn nọ với môn kia, chứ quên mất rằng, nếu làm như thế sẽ khiến cho tâm thức người học cũng như trong ý thức xã hội sẽ cho rằng, môn đó không quan trọng.

Muốn nói gì thì nói, khoa học gì thì khoa học nhưng một môn khoa học mà biến mất (tất nhiên có thể họ sẽ nói là không biến mất đâu, nói nó nằm ở chỗ nọ, chỗ kia nhưng tính độc lập của nó không còn nữa) thì không ai người ta cho đó là môn học quan trọng cả. Điều đó, theo tôi, là cực kỳ nguy hiểm.

Trong  bối cảnh hiện nay, tôi chưa nói đến mặt phương pháp, chương trình sách giáo khoa nói thẳng là lạc hậu, cộng thêm những quyết định mang tính hành chính này, sẽ có nguy cơ  khiến người học không coi môn Lịch sử ra gì nữa. Và như thế, trong một thời gian không xa, người học sẽ không quan tâm đến môn lịch sử, người dân sẽ thấy không cần lịch sử. Cha ông mình xây dựng đất nước ra sao, nền văn hóa được tạo dựng như thế nào... và truyền thống oai hùng của dân tộc không được nhắc đến  một cách hệ thống, đầy đủ nữa thì  người Việt có còn nhớ tới gốc nguồn của mình.

Tôi thuộc quan điểm là phản đối đến cùng về chuyện tích hợp mà không coi lịch sử như một môn độc lập.

Từ đó theo tôi, Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT phải hết sức chú ý lắng nghe ý kiến của những nhà sử học. Bởi  vì chỉ quản lý thôi mà ko hiểu được hết ý nghĩa của môn học này, đặc biệt là ý kiến, tâm huyết của những nhà khoa học đầu ngành Lịch sử thì có thể sẽ có những sai lầm không thể sửa chữa được.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI