Đề xuất thưởng tiền cho người mua tour du lịch nội địa

28/06/2020 - 13:11

PNO - Buổi tọa đàm “Phát huy vai trò của truyền thông trong chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức chiều 2/6 tại TP.HCM cho thấy, các giải pháp cho ngành du lịch đều không mấy sáng sủa.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho hay, dịch COVID-19 khiến trong ba tháng đầu năm 2020, Việt Nam chỉ đón được khoảng 3,6 triệu khách quốc tế. Ngành du lịch đã lên sẵn các kịch bản kích cầu khi dịch COVID-19 kết thúc. Theo đó, nếu được đón khách quốc tế vào ngày 30/6 thì trong năm nay, Việt Nam chỉ đón được 5,5 triệu khách; nếu “mở cửa” ngày 30/9, lượng khách đón được trong năm là khoảng 4,6 triệu người, trong khi năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu khách quốc tế.

Việc làm mới các tour du lịch nội địa, đồng thời thêm các ưu đãi, khuyến mãi... có thể thu hút được nguồn khách từ thị trường trong nước
Việc làm mới các tour du lịch nội địa, đồng thời thêm các ưu đãi, khuyến mãi... có thể thu hút được nguồn khách từ thị trường trong nước

Nếu việc đón khách quốc tế được khôi phục từ tháng 6/2020, ngành du lịch Việt Nam sẽ mất khoảng 2,3 tỷ USD; nếu chưa khôi phục, ngành này dự kiến sẽ mất 5-7 tỷ USD. Nếu việc đón khách nội địa tái khởi động từ tháng 6/2020, cả nước sẽ đón được 31 triệu khách so với 82 triệu khách của năm ngoái. Nếu đón khách từ tháng Sáu nhưng làm không hiệu quả, Việt Nam chỉ đón được 13 triệu khách nội địa.

Đáng nói, các doanh nghiệp (DN) du lịch nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ trong quý I/2020, đã có 80 DN ngưng hoạt động. Nếu đến ngày 30/6 mà không có sự hỗ trợ từ Nhà nước, sẽ có 300 DN ngưng hoạt động, chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Tại Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, hiện có những khách sạn chỉ hoạt động được 20% công suất phòng. “Để có khách đi du lịch, chúng ta đừng hô khẩu hiệu nữa mà hãy đưa ra những giải pháp” - ông Thọ nói.

Bà Võ Thị Ngọc Thúy - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho rằng, Thái Lan có chiến dịch “We love Thailand” thì TP.HCM sẽ có chiến dịch “Hello TP.HCM”, tập trung giới thiệu một số sản phẩm mới, tung ra gói kích cầu với sự tham gia của 24 DN du lịch với mức giảm giá tour đến 50%. Sở Du lịch TP.HCM yêu cầu DN du lịch phải giảm giá đúng, không được giảm chất lượng tour và cùng quảng bá TP.HCM an toàn đến du khách, giải quyết tâm lý e ngại cho du khách. Google cũng đồng hành cùng sở để truyền thông đến thị trường quốc tế ngay khi Việt Nam mở đường bay song phương, với thông điệp “TP.HCM an toàn, thân thiện, cởi mở, hướng về tương lai”.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel - cả DN và Nhà nước cần tính toán lại những con số, mục tiêu phải đạt để có kế hoạch cụ thể. Đến nay, các DN du lịch vẫn chưa được hưởng sự hỗ trợ gì. Thay vì “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, cần thay bằng slogan “I love Vietnam” và truyền thông mạnh mẽ hơn, mới hơn; DN cần đánh giá, đưa ra những sản phẩm du lịch phù hợp cho từng giai đoạn, xây dựng các vùng du lịch trọng điểm, đẩy mạnh du lịch TP.HCM, khai thác chợ Bến Thành, kinh tế ban đêm… 

“Nên có chính sách mỗi khách đi tour trọn gói của công ty du lịch thì được tặng 1 triệu đồng, trừ trực tiếp vào giá tour và DN sẽ được Nhà nước khấu trừ lại khi nộp thuế. Từ nay đến cuối năm, nếu có khoảng 10 triệu lượt khách đi du lịch trong nước, Nhà nước sẽ bỏ ra khoảng 10.000 tỷ đồng cho chính sách tặng 1 triệu đồng/khách đi tour. Mỗi du khách chi tiêu ít nhất từ 3-5 triệu đồng là có khoảng 30.000-50.000 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế và tạo gói quay vòng cho ngành du lịch phục hồi” - ông Kỳ đề xuất. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI