Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 4 môn
Bộ GD-ĐT vừa đề xuất phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 gồm 2 môn bắt buộc ngữ văn, toán và 2 môn lựa chọn (trong số 9 môn: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ).
Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) - đồng tình với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Theo ông, với 4 môn thi (2 môn thi bắt buộc và 2 môn thi tự chọn) sẽ giúp giảm tải đáng kể cho học sinh. Bởi hiện nay các em phải thi đến 6 môn, gồm 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và tổ hợp gồm 3 môn tự chọn (Khoa học tự nhiên gồm: vật lý, hóa học, sinh học; hoặc Khoa học xã hội gồm: lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Đối với ý kiến cho rằng không bắt buộc thi môn ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) sẽ kéo lùi trình độ ngoại ngữ của học sinh, ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng, ngoại ngữ là kỹ năng cần thiết đối với mỗi người trong trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Như vậy, phụ huynh phải có trách nhiệm đầu tư cho con em mình học ngoại ngữ. Đồng thời, Bộ GD-ĐT và sở GD-ĐT các địa phương phải có trách nhiệm xây dựng các đề án nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh. Các trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học ngoại ngữ để học sinh rèn luyện đủ các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết.
“Phải xác định mục tiêu của việc học là để có kỹ năng, trình độ phục vụ công việc sau này chứ không phải học chỉ để thi và không phải chỉ khi bắt buộc thi thì mới học. Dù không thi ngoại ngữ thì chắc chắn học sinh, phụ huynh đều rất ý thức đầu tư cho việc học ngoại ngữ, cho nên không cần lo ngại việc không thi thì các em không học” - ông Huỳnh Thanh Phú nói.
Theo ông, việc giảm tải thi cử là cần thiết, phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục hiện nay. Việc cắt giảm số môn sẽ khiến kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, không quá căng thẳng với học sinh. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục năm 2019 không đề cập đến yếu tố kỹ thuật của việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, do đó, nên giao kỳ thi về cho các địa phương tự tổ chức, thay vì tổ chức một cuộc thi quy mô cả nước như hiện nay vừa tốn kém, vừa áp lực.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Viết Đăng Du - Tổ trưởng Tổ lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) - tỏ ra băn khoăn về việc lịch sử trở thành môn thi tự chọn. Theo thầy, trước đây khi Bộ GD-ĐT xếp lịch sử là môn học tự chọn, bị dư luận phản ứng và sau đó Quốc hội đã chính thức ban hành Nghị quyết xác định lịch sử là môn học bắt buộc. Sau đó, Bộ GD-ĐT cũng công bố dự thảo về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trong đó quy định lịch sử là môn thi bắt buộc. Thế nhưng, đến nay bộ lại đưa ra phương án hoàn toàn khác.
“Nếu không quy định bắt buộc thi thì rất khó để học sinh có động lực học môn lịch sử. Hơn nữa, học mà không thi thì không có cách nào để đo lường được các em đã nắm bắt kiến thức đến mức độ nào. Trong chương trình lịch sử lớp 12 có 6 chủ đề liên quan mật thiết đến lịch sử Việt Nam, các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nếu không yêu cầu thi, học sinh không chịu học thì làm sao các em có kiến thức cơ bản về lịch sử đất nước mình?” - thầy Nguyễn Viết Đăng Du đặt câu hỏi.
Theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, tư duy “học không phải chỉ để thi” là đúng, nhưng cần xem đã phù hợp với thực tế hiện nay chưa, khi mà cả xã hội vẫn dùng thước đo là bằng cấp và điểm số các cuộc thi. Do đó, việc đổi mới thi cử cũng phải bám sát, phù hợp với hiện thực xã hội. Với môn học nhằm mục tiêu hình thành ý thức công dân, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ như môn lịch sử, cần có quy định mang tính bắt buộc. “Muốn giảm tải cho học sinh thì có thể duy trì hình thức thi trắc nghiệm, nội dung thi nhẹ nhàng. Nếu bắt buộc học mà không bắt buộc thi với môn lịch sử là “làm khó” cho giáo viên” - thầy Đăng Du nhận xét.
Thi 4 môn sẽ giảm áp lực và chi phí
Bộ GD-ĐT vừa đề xuất phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trình Phó thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực.
Theo đó, bộ đề xuất 3 phương án thi gồm: Phương án 1 là thí sinh thi 2 môn bắt buộc ngữ văn, toán và 2 môn lựa chọn; phương án 2 gồm 3 môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ) và 2 môn lựa chọn; phương án 3 là thi 4 môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử) và 2 môn lựa chọn.
Kết quả, đa số lựa chọn phương án 2 hoặc 3 môn bắt buộc. Kết quả khảo sát gần 130.700 cán bộ, giáo viên cả nước về phương án 2 và 3 cho thấy, gần 74% chọn phương án 2, đó là thi 3 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn. Sau đó, Bộ GD-ĐT khảo sát thêm gần 18.000 cán bộ, giáo viên ở TPHCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang với cả 3 phương án thì 60% chọn phương án thi 2 môn bắt buộc 2 môn lựa chọn.
Ngoài ra, bộ này lấy ý kiến 10 chuyên gia tại cuộc họp do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp Cục Quản lý chất lượng tổ chức. Kết quả, 6 chuyên gia chọn phương án thi 2 môn bắt buộc.
Trên cơ sở phân tích góp ý của các Sở GĐ-ĐT và dựa theo các nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng phương án thi, Bộ GD-ĐT đã kiến nghị, đề xuất thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm: 2 môn bắt buộc gồm toán, ngữ văn và 2 môn lựa chọn.
Bộ GD-ĐT cho rằng, thi 4 môn giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình, xã hội. Với phương án đó, số buổi thi sẽ giảm so với hiện nay, giảm áp lực và chi phí. Việc lựa chọn 2 trong số 9 môn học để dự thi sẽ tạo ra 36 cách thức lựa chọn khác nhau, tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích.
Một khía cạnh quan trọng khác là khi tổ chức thi 4 bài thi sẽ không gây mất sự cân bằng giữa việc chọn khối KHXH nhiều hơn KHTN (tỉ lệ chọn tổ hợp KHXH 3 năm liên tiếp gần đây lần lượt là: 64,7%; 66,9%; 67,9%).
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...