Đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế đối với sữa mẹ thanh trùng

03/05/2024 - 06:28

PNO - Do quy trình thu thập, bảo quản, rã đông… phức tạp nên giá thành 1 lít sữa mẹ thanh trùng từ các ngân hàng sữa lên tới 1,3 triệu đồng/lít. Điều này gây gánh nặng cho không ít gia đình có trẻ sơ sinh mắc các bệnh bẩm sinh, nguy hiểm, nguy cơ nhiễm trùng đường ruột…, không thể sử dụng sữa công thức.

1,3 triệu đồng/lít sữa mẹ thanh trùng

27 ngày tuổi, bé sơ sinh N.H.K. (Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) phải nhập viện vì bệnh lý tim mạch bẩm sinh, suy hô hấp. Khi vào viện, trẻ chỉ nặng khoảng 1,5kg. Với bệnh lý trên, trẻ có nguy cơ bị viêm ruột, đặc biệt nếu uống sữa công thức. Do hoàn cảnh gia đình, trẻ không có sữa mẹ nên bệnh nhi đã được tư vấn sử dụng sữa mẹ thanh trùng (sữa mẹ hiến tặng cho ngân hàng sữa mẹ).

Trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương được ăn sữa từ Ngân hàng sữa mẹ qua sonde dạ dày
Trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương được ăn sữa từ Ngân hàng sữa mẹ qua sonde dạ dày

Ngày đầu tiên, trẻ ăn chưa đầy đủ, hết 180ml sữa, tương ứng với chi phí 234.000 đồng. Ngày thứ hai, mỗi lần trẻ uống được 30ml sữa, tổng lượng sữa là 240ml, tương ứng 312.000 đồng. Bác sĩ Nguyễn Thúy Hằng - Phụ trách Khoa Khám, cấp cứu sơ sinh và Ngân hàng sữa mẹ (Bệnh viện Nhi Trung ương) - cho hay: “Nếu trẻ phải điều trị lâu dài, lượng sữa uống tăng lên hằng ngày thì số tiền lên cao hơn. Chi phí để thu thập, bảo quản, tiệt trùng… cho 1 lít sữa mẹ là 1,3 triệu đồng. Nhóm trẻ sơ sinh đủ tháng, cân nặng lớn hơn có thể cần tới 600ml/ngày, tương đương hơn 700.000 đồng”.

Theo vị chuyên gia này, mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương đều tiếp nhận nhiều trẻ đẻ non, trẻ sơ sinh mắc những chứng bệnh nguy hiểm. Nếu dùng sữa công thức, trẻ dễ bị viêm ruột khiến việc điều trị càng khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bé. Tuy nhiên, thực tế có không ít trẻ, do mẹ ở xa, hoặc yếu sau sinh, không có sữa nên phải dựa vào nguồn sữa từ ngân hàng sữa mẹ. Thống kê 3 tháng đầu năm 2024 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng lượng sữa sử dụng cho trẻ sơ sinh ở đây lên tới hơn 400 lít.

Do quy trình phức tạp, nhiều công đoạn từ thu thập tới bảo quản, phân phối… nên giá thành 1 lít sữa mẹ khá cao so với sữa công thức. Theo đó, nguồn sữa mẹ được kiểm nghiệm rất chặt chẽ, gắt gao. Trước hết, các bà mẹ cần được xét nghiệm máu nhằm loại trừ nguồn cho có chứa vi rút viêm gan B, HIV… Sau đó, sữa cho được xét nghiệm và chỉ được lấy khi đảm bảo các chỉ số. Các bà mẹ cho sữa được hướng dẫn cách sử dụng dụng cụ trữ sữa, cách vắt sữa, bảo quản sữa nhằm vô trùng. Khi người mẹ gom được từ 1-2 lít sữa cho tặng, nhân viên ngân hàng sữa sẽ đi thu tại nhà. Các dụng cụ chứa sữa phải đảm bảo nhiệt độ theo yêu cầu đối với sữa từ khi ra khỏi tủ lạnh tới khi về trữ. Khi có nhu cầu sử dụng, sữa trữ đông phải trải qua quy trình rã đông theo quy chuẩn để đảm bảo nguồn sữa an toàn cho trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thúy Hằng đề xuất: “Hiện nay, tỉ lệ sinh non nhiều, nhu cầu dùng sữa mẹ tăng. Đây là những trẻ có bệnh lý phức tạp, cần nằm viện lâu dài. Bên cạnh chi phí điều trị, gia đình phải “gánh” thêm chi phí cho sữa mẹ thanh trùng thì vô cùng khó khăn. Do đó, chúng tôi mong muốn sữa mẹ sẽ được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) để giúp trẻ được tiếp cận với nguồn sữa này trong điều kiện không có sữa mẹ”.

Hiệu quả gấp hơn 2 lần số tiền bảo hiểm y tế chi trả

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT dự kiến sẽ được trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV vào tháng Năm này. Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - cho biết bộ đang đề xuất đưa chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng… thuộc phạm vi được hưởng BHYT. Theo bà, sữa mẹ thanh trùng từ các ngân hàng sữa mẹ dù không phải thuốc điều trị bệnh nhưng lại được quy định trong các hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các hội y khoa thế giới. Ước tính, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 35.000 trẻ cần sử dụng sữa mẹ thanh trùng, với chi phí khoảng hơn 30 tỉ đồng. So sánh với tiền quỹ BHYT thì đây không phải là con số lớn, chỉ chiếm 0,46% song lại có những tác động vô cùng tích cực.

Ở Việt Nam, có khoảng 1,4 triệu trẻ chào đời sống mỗi năm, trong đó 41.000 trẻ đẻ non và 54.000 trẻ nhẹ cân. Trong số đó, rất nhiều trẻ không tiếp cận được với nguồn sữa mẹ do nhiều lý do như mẹ phải nằm điều trị hồi sức lâu ngày, dùng các loại thuốc ảnh hưởng tới việc nuôi con bằng sữa mẹ… Nhờ vào những đặc điểm vượt trội, ưu việt của sữa mẹ trong việc phòng ngừa nhiều bệnh, giảm thời gian điều trị nội trú, nuôi ăn bằng tĩnh mạch…, các chuyên gia đánh giá, nếu nhóm trẻ này được sử dụng sữa mẹ hiến tặng thì quỹ BHYT sẽ tiết kiệm được 76,7 tỉ đồng/năm. Con số này nhiều gấp hơn 2 lần số tiền chi trả cho sữa mẹ hiến tặng.

Bà Trần Thị Trang nhận xét: đề xuất này nếu được chấp thuận cũng sẽ tạo điều kiện để mạng lưới ngân hàng sữa mẹ phát triển mạnh mẽ hơn, vận hành tối đa công suất. Từ đó, các trẻ sinh non, trẻ sơ sinh không may mắc bệnh lý phức tạp sẽ được tiếp cận với “nguồn dinh dưỡng số một” này, bảo vệ sức khỏe của trẻ, nâng cao hiệu quả điều trị.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI