Đề xuất thành lập trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài

01/11/2024 - 12:55

PNO - Nhiều ĐBQH đồng tình việc thành lập một số trung tâm văn hóa của Việt Nam tại nước ngoài, nhưng lưu ý, phải cân nhắc kỹ trước khi xây dựng.

ĐBQH Trình Lam SInh góp ý tại phiên thảo luận sáng 1/11 - ảnh: QH
ĐBQH Trình Lam Sinh góp ý tại phiên thảo luận sáng 1/11 - Ảnh: Q.H.

Sáng 1/11, tiếp tục thảo luận về dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, nhiều ĐBQH quan tâm tới đề xuất xây dựng một số trung tâm văn hóa của Việt Nam tại nước ngoài.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) khẳng định, chủ trương xây dựng trung tâm văn hóa ở các nước là xu hướng trên thế giới góp phần giới thiệu, lan tỏa văn hóa quốc gia.

Bên cạnh đó, các trung tâm này còn đóng góp vào việc thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, từ đó lan tỏa hình ảnh quốc gia, tạo sức mạnh mềm của đất nước, dân tộc.

Đây là đòi hỏi cấp thiết trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu đậm của Việt Nam, và cũng là nhu cầu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Trên cơ sở đánh giá, vận hành của Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp và Lào, xuất phát từ tình hình thực tiễn, yêu cầu của nhiệm vụ văn hóa, chính trị, an ninh của đất nước; ĐBQH Trần Thị Thanh Hương thống nhất với đề xuất đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Tuy nhiên, bà lưu ý, Chính phủ cần cân nhắc, lựa chọn xây dựng các trung tâm văn hóa tại các quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam; có đông đảo người Việt Nam sinh sống, công tác; các đối tác dẫn đầu đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải đánh giá nội dung, quy mô, cân đối nguồn lực để xác định lộ trình triển khai phù hợp, hiệu quả; có kế hoạch cụ thể nhằm phát huy tối đa bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, du lịch Việt Nam.

“Thông qua văn hóa, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, công tác đối ngoại, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quyền con người của người Việt Nam trong nước và sở tại” - bà kỳ vọng.

Cùng quan điểm trên, ĐBQH Trình Lam Sinh (tỉnh An Giang) cho rằng, đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài sẽ giúp giới thiệu, lan tỏa hình ảnh, văn hóa và đất nước, con người Việt Nam. “Hàn Quốc có trung tâm văn hóa ở Việt Nam để giới thiệu, lan tỏa, văn hóa của họ tới mình, thì tại sao Việt Nam không làm?” - đại biểu đặt vấn đề.

Ủng hộ đề xuất này, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) nhấn mạnh, Việt Nam cần xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam để thực hiện hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay chưa có đơn vị nào có thẩm quyền phê duyệt bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, trong đó có quốc hoa, quốc phục, quốc cầm, quốc vũ, ẩm thực quốc gia...

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đề xuất Chính phủ quan tâm tới nội dung này trong xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình nhưng đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ khi xác định, xây dựng một trung tâm văn hóa tại nước ngoài vì bản chất đây là hoạt động để “xuất khẩu văn hóa”, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như văn hóa, chính trị, quan hệ giữa hai quốc gia.

Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài phải đảm bảo có tính lưỡng dụng cao, là nơi có thể đứng ra tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội chợ... Trung tâm này không chỉ để Việt Nam dùng mà cả nước bạn cũng có thể dùng để tăng tính hiệu quả.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh, chỉ xây các trung tâm này khi dự kiến thu bù được cho chi. Bởi hiện tại, các đơn vị này có thể có kinh phí của chương trình, nhưng sau đó phải thu được kinh phí để đảm bảo chi phí thuê đất, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp trung tâm...

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI