Đề xuất tăng gấp 3 lần mức phạt chậm đóng BHXH

04/06/2013 - 14:54

PNO - Trước tình trạng chậm đóng và nợ bảo hiểm xã hội ngày càng gia tăng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất tăng mức lãi suất doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội phải đóng lên gấp 3 lần mức hiện hành.

De xuat tang gap 3 lan muc phat cham dong BHXH

Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội ở Bảo hiểm Xã hội Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Đây là thông tin bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng nay (4/6), tại Hà Nội.

Cụ thể, theo bà Trần Thị Thúy Nga, mức lãi suất doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm phải đóng được đề xuất là gấp 3 lần lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội hoặc 2 lần lãi suất liên ngân hàng.

Bà Trần Thị Thúy Nga nhận định, hiện tại, lãi suất doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội phải trả thấp nên ngày càng nhiều doanh nghiệp chậm, nợ bảo hiểm xã hội để lấy vốn kinh doanh, khiến người lao động không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ. Vì vậy, việc tăng mức lãi suất sẽ khiến các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc quy định về thời hạn đóng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, không chỉ tăng mức lãi suất, dự thảo luật sẽ bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, không khống chế tuổi trần tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bổ sung quyền của người lao động được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thai sản, sửa đổi quy định mức hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp mắc bệnh cần chữa trị dài ngày cho một lần điều trị, quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu tương đồng với chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc...

Tại hội thảo, nhìn nhận quá trình sau 6 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, các chuyên gia cho rằng nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Mọi người lao động đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội với những hình thức bắt buộc và tự nguyện. Các chế độ bảo hiểm xã hội được thiết kế phù hợp hơn, bảo đảm tốt hơn nguyên tắc đóng - hưởng; việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội được bảo đảm đầy đủ...

Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội khi triển khai cũng xuất hiện nhiều hạn chế cần được khắc phục như: Chưa quản lý được đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội còn khá phổ biến. Một số quy định trong chế độ bảo hiểm xã hội bộc lộ nhiều bất cập; quy định về thủ tục, hồ sơ tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội chưa dễ dàng, thuận tiện...

Góp ý vào dự thảo, các đại biểu dự hội thảo cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm xã hội cần khắc phục kịp thời những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện luật, nhất là bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội; quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý lĩnh vực bảo hiểm xã hội; từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội đến mọi người lao động…

Các đại biểu cũng đề nghị dự án luật cần tăng cường quy định về chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, đảm bảo tính răn đe, hạn chế vi phạm, bảo vệ pháp chế về bảo hiểm xã hội; việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội...

Giới thiệu về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), bà Trần Thị Thúy Nga cho biết: Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bỏ một chương về bảo hiểm thất nghiệp, gộp và bổ sung một số điều cho phù hợp. Sau khi chỉnh lý, kết cấu còn 10 chương 120 điều thay vì 11 chương, 141 điều như luật hiện hành.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6/6/2013 để sớm hoàn thiện trình Chính phủ. Dự kiến, dự thảo sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 cuối năm 2013./

Theo HỒNG KIỀU (Vietnam+)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI