Đề xuất quy định quản lý sản xuất thực phẩm chức năng chặt chẽ hơn

17/08/2024 - 06:12

PNO - Bộ Y tế vừa có đề xuất thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn và quy định rõ về chủ thể đăng ký đối với thực phẩm chức năng.

Ngày 15/8, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế - đã đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thục phẩm. Trong đó có nội dung liên quan tới quy định quản lý thực phẩm chức năng (TPCN).

Thực phẩm chức năng nghi là hàng giả được ra lò tại một căn nhà cấp 4 ẩm thấp nằm sâu trong thôn Cao Sơn (xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội), vừa bị lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ phát hiện - Ảnh: DMS
Thực phẩm chức năng nghi là hàng giả bị lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện - Ảnh: DMS

Qua 12 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm, theo Bộ Y tế, số lượng sản phẩm TPCN đưa vào lưu thông trên thị trường tăng lên rõ rệt. Từ năm 2010 đến ngày 1/2/2018, ngành y tế đã cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với 30.454 sản phẩm TPCN. Từ ngày 2/2/2018 đến nay, đã có 68.750 sản phẩm được cấp giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tuy nhiên, việc quản lý TPCN còn nhiều tồn tại. Trước hết là chưa thống nhất về tên gọi: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN, thực phẩm bổ sung. Có tình trạng mua bán TPCN theo hình thức kinh doanh trên mạng xã hội và đa cấp rất phức tạp, việc kiểm soát hàng “xách tay” khó khăn... Nhiều đối tượng bất chấp quy định pháp luật, sản xuất, nhập khẩu sản phẩm không bảo đảm, làm hàng giả, quảng cáo sai sự thật lừa dối người tiêu dùng. Lợi dụng phương thức quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, một bộ phận doanh nghiệp đã công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm...

Việc không quy định thời hạn hiệu lực giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm dẫn đến việc không kiểm soát được số lượng sản phẩm thực tế lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, việc chưa quy định bắt buộc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi là chưa phù hợp. Bởi, đây là các sản phẩm đặc biệt, khác với các sản phẩm thông thường, cần phải quản lý việc sản xuất chặt chẽ hơn.

Trước thực tế này, trong báo cáo đánh giá tác động của việc sửa đổi luật, bên cạnh phương án giữ như luật hiện hành, Bộ Y tế đề xuất thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn và quy định rõ về chủ thể đăng ký. Theo đó, thời hạn đăng ký là 5 năm. Chủ thể đăng ký bản công bố sản phẩm là nhà sản xuất, tổ chức được nhà sản xuất ủy quyền, văn phòng đại diện nước ngoài của nhà sản xuất tại Việt Nam. Trong đề cương chi tiết dự án luật, ban soạn thảo cũng bổ sung quy định các cơ sở sản xuất TPCN phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Cụ thể, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng Thực hành sản xuất tốt - GMP; thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bổ sung áp dụng HACCP, ISO 22000.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI