Đề xuất Quốc hội thành lập cơ quan kiểm soát tài sản cán bộ công chức

13/06/2018 - 10:36

PNO - Để minh bạch vấn đề tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, nhiều ĐBQH cho rằng, phải có một cơ quan độc lập để kiểm soát có hiệu quả, trong đó, có ý kiến đề xuất Quốc hội thành lập đơn vị này.

Lo tốn kém, tăng biên chế?

Đóng góp ý kiến về Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bô công chức như trong Dự thảo Luật, cần có một cơ quan độc lập để kiểm soát vấn đề này. Việc này có thể làm tăng biên chế, trái với chủ trương chung của Việt Nam trong giai đoạn tinh giản biên chế hiện nay, tuy nhiên, theo ĐB Cao Thị Xuân, với việc hệ trọng như thế này, việc thành lập một cơ quan mới, độc lập là điều đáng đầu tư.

Tranh luận lại với ĐB Cao Thị Xuân, ĐB Nguyễn Văn Pha (Nam Định) cho rằng, nếu mở một cơ quan độc lập như đề xuất thì vẫn không hề tăng biên chế. Bởi hiện nay, VN đang có 3 cơ quan phòng chống tham nhũng (PCTN) cao nhất là Thanh tra CP, Viện KSND tối cao, Bộ công an.

"Nếu quyết tâm thành lập một cơ quan mới thì hoàn toàn có thể lấy người từ đây. Vừa có chuyên môn, kinh nghiệm lại không tăng biên chế”, ĐB Nguyễn Văn Pha phân tích.

De xuat Quoc hoi thanh lap co quan kiem soat tai san can bo cong chuc
ĐBQH Nguyễn Văn Pha đề xuất QH thành lập cơ quan độc lập kiểm soát thu nhập cán bộ, công chức

ĐB Nguyễn Văn Pha cũng cho biết, ông vừa tháp tùng đoàn đi khảo sát vấn đề này tại Bungari. Ở đó, QH thành lập 2 cơ quan, 1 cơ quan kiểm soát tài sản công chức, 1 cơ quan chống tham nhũng rất hiệu quả.

“Vì vậy, QH nên thành lập cơ quan kiểm soát thu nhập cán bộ công chức và chịu sự chỉ đạo của UBTVQH”, ông Pha nói.

Áp đặt trách nhiệm, người đứng đầu dễ che giấu tham nhũng

Thảo luận tại QH, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Nhưng quyền luôn gắn với trách nhiệm, do đó quy định về trách nhiệm là một trong các giải pháp để hạn chế “khuyết tật” này.

Dự thảo Luật PCTN đã có quy định trách nhiệm của người đứng đầu, tuy nhiên, theo ĐB Thúy, không ít điểm còn thiếu cụ thể, tính khả thi không cao. Chẳng hạn, theo dự thảo, chế độ trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng tưởng chừng như đơn giản và đã rõ ràng, người đứng đầu cơ quan thì phải chịu mọi trách nhiệm về cơ quan mình. Tuy nhiên, với cách thức tổ chức hệ thống công vụ như hiện nay thì rất nan giải, dễ dẫn đến chỗ không quy được trách nhiệm cho ai!

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy phân tích, không thể đòi hỏi một người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những việc mà người đó không có quyền quyết định. Thực tế cho thấy không phải người đứng đầu nào cũng có quyền tự quyết định, lựa chọn cấp phó của mình. Không ít trường hợp quy trình xét duyệt chỉ nhằm hợp thức hóa ý định của quan chức cấp trên và đây có thể là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn chạy chức chạy quyền phát triển.

“Tóm lại là trong nhiều trường hợp có cả một dây trách nhiệm nên rất khó chỉ ra người có trách nhiệm thực sự”, ĐB Thúy nhấn mạnh.

Việc áp đặt trách nhiệm một cách tràn lan, không căn cứ vào hành vi như trong dự thảo luật, theo ĐBQH tỉnh Đà Nẵng, chỉ mang đến những kết quả ngược lại: "Đơn giản là điều này chỉ khuyến khích những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị che giấu tham nhũng mà thôi”.

Do đó, vị ĐBQH này đề nghị cần quy định theo hướng chế độ trách nhiệm phải được xác lập trên cơ sở những quyền hạn thực tế mà những người đứng đầu đang có.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI