Đề xuất phương án tăng tuổi hưu lên Chính phủ

11/12/2016 - 15:10

PNO - Tăng tuổi nghỉ hưu nhằm bảo đảm không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, công ước của ILO.

Ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB-XH ngày 10/12 cho hay, cơ quan này vừa có Tờ trình Chính phủ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong bộ luật Lao động.

Cụ thể, dự thảo luật sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định trong 3 nhóm nội dung và 11 chủ đề. Một nội dung sửa đổi được dư luận quan tâm trong thời gian qua đó là tăng tuổi nghỉ hưu. Theo Bộ LĐTB-XH, trong lần sửa đổi lần này nhận được nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu, vì thực tế tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước.

De xuat phuong an tang tuoi huu len Chinh phu
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 với nữ và 62 với nam. Ảnh minh họa.

Theo đó, tăng tuổi nghỉ hưu cũng nhằm bảo đảm không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, công ước của ILO. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên dự thảo luật trình 2 phương án để xin ý kiến Chính phủ.

Phương án 1: giữ như bộ luật hiện hành nam là 60 và nữ là 55.

Phương án 2: tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành "mượt mà", không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động.

Đối với phương án này, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định.

Năm 2014 khi Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền có đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60) để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong tương lai, trao đổi với PV, PGS. TS Nguyễn Văn Định - Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế Bảo hiểm, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội phân tích:


"Tăng tuổi nghỉ hưu vào thời điểm hiện nay theo tôi là chưa nên, bởi vì: Thứ nhất, nếu tăng tuổi nghỉ hưu vào thời điểm này, Quỹ BHXH ít nhiều sẽ được cải thiện nhưng lại đối diện với nguy cơ thất nghiệp gia tăng. Trong khi đó, một bộ phận viên chức cao tuổi, lại càng cao tuổi hơn (vì tăng tuổi nghỉ hưu) làm việc không hiệu quả.

Thứ hai, theo quy định của pháp luật BHXH, tuổi nghỉ hưu hiện nay của nữ là 55, nam là 60, nhưng thực tế, tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam hiện nay tính bình quân chỉ xấp xỉ khoảng 55 tuổi đối với nam và khoảng 52 tuổi đối với nữ. Cho nên, không nên tăng tuổi nghỉ hưu vào lúc này.

Thứ ba, nếu tăng tuổi nghỉ hưu vào bất cứ thời điểm nào, cũng cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, mang tính tổng thể. Tuổi nghỉ hưu còn liên quan cả đến Luật lao động, luật sĩ quan quân đội, luật sĩ quan công an nhân dân. Bởi vậy, nếu quyết định tăng tuổi nghỉ hưu, cần có sự phối hợp nghiên cứu tổng thể trước khi trình Quốc hội.

Thứ tư, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, trong điều kiện tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng gia tăng, nền kinh tế bị khủng hoảng, thì không nên tăng tuổi nghỉ hưu.

Thứ năm, đại đa số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy sản…) không muốn tăng tuổi nghỉ hưu so với quy định hiện tại của Pháp luật".

Đồng tình quan điểm, tại phiên thảo luận ở tổ về nội dung dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ngày 29/5/2014, ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lý do Ban soạn thảo đưa ra để tăng tuổi nghỉ hưu là “học tập nước ngoài".

Ông Kiêm khẳng định: "Họ có đặc điểm khác ta là dân số ít (có 20 triệu người Úc nhưng diện tích đất nước họ gần bằng Trung Quốc, trình độ lao động rất cao). Đặc điểm của ta lại khác hoàn toàn. Lao động thừa rất nhiều. Tuổi thọ bình quân của thế giới 80 tuổi, còn ta là 75, nhưng 10 năm cuối cuộc đời của người già Việt Nam là bệnh tật; Cơ cấu của chúng ta, lao động trí óc, kinh nghiệm cao thì ít".

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cũng bày tỏ lo ngại: Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu mà lại rơi vào những ông không có trình độ mà ngồi mãi thì cũng chết. Còn những anh được đào tạo bài bản không xin được việc, đi bồi bàn. Quan điểm của ông cứ giữ nguyên, khắc phục các tồn tại kể trên.

Chính vì thế, đề xuất tăng tuổi hưu đã được bỏ hẳn trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thông qua vào kỳ họp Quốc hội thứ 8, tháng 10/2014.

Minh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI