Đề xuất phí kiểm định khí thải xe máy 50.000 đồng

12/08/2016 - 15:03

PNO - Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất thu phí kiểm định khí thải với xe máy dung tích 175 cm3 trở lên tại Hà Nội và TP HCM.

Theo phương án mới nhất về lộ trình áp dụng kiểm soát khí thải với môtô, xe gắn máy vừa được Cục Đăng kiểm Việt Nam trình Bộ Giao thông Vận tải, việc thực hiện lộ trình kiểm định khí thải sẽ áp dụng ở Hà Nội và TP HCM từ 1/7/2018 thay cho phương án thực hiện tại 5 thành phố gồm cả Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ như trước đây.

Cũng theo Cục Đăng kiểm, việc kiểm soát khí thải mô tô 175 cm3 trở lên được thực hiện tại các thành phố loại 1 từ 1/7/2020 và thực hiện tại các thành phố loại 2 từ 1/7/2022.

Về chi phí kiểm tra khí thải xem máy, Cục Đăng kiểm đề xuất mức phí 49.500 đồng/xe và 10.000 đồng lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định. Mức phí này giảm so với đề xuất trước đây là 100.000 - 150.000 đồng/lần kiểm định trong 2 năm.

De xuat phi kiem dinh khi thai xe may 50.000 dong
Các xe máy được kiểm soát khí thải sẽ tiết kiệm nhiên liệu. Ảnh minh họa

Đối với môtô, xe máy có dung tích xy lanh dưới 175 cm3, dự thảo đưa ra hai phương án thực hiện thời điểm kiểm tra khí thải. Phương án 1 là do UBND các tỉnh, thành phố quy định. Phương án 2 thực hiện từ 1/7/2020 với xe sử dụng trên 15 năm tại Hà Nội và TP HCM; từ 1/7/2022 thực hiện với xe trên 10 năm sử dụng tại các thành phố loại đặc biệt và loại 1; từ 1/7/2025 thực hiện với xe trên 5 năm sử dụng tại các thành phố loại 1 và loại 2.

Như vậy, so với đề xuất trước đây, phương án này được thực hiện trước tại Hà Nội và TP HCM, sau đó mới thực hiện tại các đô thị khác theo phân cấp đô thị thay cho thực hiện đồng loạt cùng mốc thời gian tương ứng với tuổi xe như đề xuất trước đây.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, kinh nghiệm các nước thì thời hạn kiểm tra khí thải với xe máy từ trên 5 năm tuổi được thực hiện 1-2 năm mỗi lần. Chi phí kiểm tra 60.000 đồng là rất nhỏ so với chi phí nhiên liệu hàng năm.

Các xe được bảo dưỡng, sửa chữa đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ tiết kiệm được 10 -30% nhiên liệu sử dụng. Trong khi đó, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa là chi phí đương nhiên theo khuyến nghị của nhà sản xuất xe để bảo đảm hiệu quả khai thác và độ bền trong sử dụng.

Với xe máy không thực hiện kiểm soát khí thải theo quy định, dự thảo đề xuất lực lượng công an có trách nhiệm xử lý với xe tham gia giao thông theo hướng kết hợp với xử lý các vi phạm hành chính khác về trật tự an toàn giao thông đường bộ và đô thị.

Trước đó, tại hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội diễn ra vào ngày 27.6, trong dự thảo chương trình 06 “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016 - 2020”, Thành ủy Hà Nội đặt ra mục tiêu trọng tâm trong 5 năm tới TP sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình giao thông khung, đầu tư xây mới các bến xe khách liên tỉnh theo xu hướng hiện đại, tăng cường công tác quản lý, bảo trì và phát triển có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ rà soát, điều chỉnh và tăng thêm các tuyến xe buýt cho phù hợp, tăng cường giao thông công cộng, từng bước hạn chế xe cá nhân. Phấn đấu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 20 - 25%, diện tích đất dành cho giao thông tăng từ 0,3 - 0,5% đất đô thị/năm, đưa tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt 10 - 13% đất đô thị vào năm 2020. Đặc biệt, dự thảo đưa ra nhiệm vụ tăng cường phương tiện công cộng, từng bước hạn chế xe cá nhân, định hướng tới năm 2025 sẽ dừng xe máy cá nhân.

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội đưa ra chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân. Năm 2003, khi lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng mạnh, gây ùn tắc tại khu vực nội đô, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra phương án hạn chế phương tiện cá nhân bằng quy định xe máy đi vào ngày chẵn lẻ theo biển số chẵn lẻ, riêng thứ bảy, chủ nhật lưu thông bình thường. Tuy nhiên, quy định này nhanh chóng bị khai tử do vấp phải phản ứng của người dân và thiếu tính khả thi. Sau đó, Hà Nội đã ban hành và thực hiện quy định tạm ngừng đăng ký xe máy tại một số quận nội thành, nhưng sau một thời gian ngắn thực hiện, phương tiện cá nhân vẫn không ngừng tăng và bị Bộ Tư pháp có ý kiến, HĐND TP.Hà Nội cũng đã bãi bỏ quy định này.

Minh Dương (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI