|
Sở VH-TT kiến nghị mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học núi Bân |
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết việc mở rộng diện tích khai quật di tích núi Bân là cần thiết nhằm cung cấp và bổ sung đầy đủ hơn những thông tin khoa học, xác định cụ thể và toàn diện hơn về quy mô, kích thước, phạm vi phân bố và kết cấu nền móng nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn. Từ đó, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt trong thời gian tới.
|
Giới sử học cho rằng sẽ có nhiều điều thú vị về vương triều Tây Sơn sau khi hoàn thiện khai quật khảo cổ học ở di tích núi Bân |
|
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung ở khu vực núi Bân phía tây TP. Huế |
Sau 35 ngày tiến hành khai quật khảo cổ di tích núi Bân, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã có báo cáo sơ bộ để đánh giá kết quả.
Trong lần khai quật khảo cổ học này, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế tiến hành mở 9 hố đào ở bốn hướng đông, tây, nam, bắc của đàn tế hiện tại với diện tích 140m2.
Đáng chú ý, ở khu vực phía tây, nơi mở 5 hố xuất hiện một số vết tích nguyên gốc như mặt kè, bờ sườn, mặt nền tầng 1 và một phần vết tích chân mặt sườn tầng 2 của đàn Nam Giao thời Tây Sơn.
Khu vực phía nam với một hố chạy dài theo hướng bắc - nam cho thấy vết tích đàn tế nguyên gốc chỉ còn lại một khoảng mặt nền tầng 1 khá bằng phẳng, rộng 2m xuất lộ ở độ sâu 0,5m. Mặt sườn tầng 1 và tầng 2 đàn tế khu vực này bị biến dạng.
|
Đàn tế trời ở núi Bân gần như là di tích còn lại duy nhất của vương triều Tây Sơn ở Huế còn tồn tại |
Quá trình khai quật, nhóm phát hiện các mảnh gạch vỡ và đá; riêng khu vực phía tây phát hiện thêm những đoạn móng đá kè và vỉa gạch ở chân tầng 1 đàn tế. Đá được xác định là đá sa phiến dạng hòn, cục, có màu vàng nhạt, tím nhạt, xám xanh, xám trắng.
Gạch được phát hiện là dạng gạch bìa hình chữ nhật màu đỏ tươi, xương mịn, độ nung cao với chiều rộng 13-14cm, dày 2,5-4cm, dài 14-16cm, niên đại tập trung thế kỷ XVIII. Điều này cho thấy rõ tính chất xây dựng gấp gáp của đàn Nam Giao thời Tây Sơn.
Ngoài việc làm phát lộ rõ ràng chính xác mặt nền và cấu trúc nguyên gốc của 3 tầng đàn tế hình tháp cụt chồng lên nhau gần như có hình tròn, đoàn còn phát hiện một đoạn móng kè phía tây nam ở tầng dưới cùng, có khả năng là chân móng của một tầng đàn tế hình vuông.
|
Bước đầu các nhà khảo cổ đã mở 9 hố đào ở bốn hướng của đàn tế hiện tại với diện tích 140m2 |
Nếu giả thiết này chính xác thì đàn tế Nam Giao thời Tây Sơn là một đàn tế trời được quy hoạch, xây đắp khá bài bản (dù lợi dụng một ngọn núi tự nhiên sẵn có), có cấu trúc gần tương tự đàn Viên Khâu ở Thiên Đàn Bắc Kinh (đàn tế trời của hai triều Minh, Thanh ở Trung Quốc) với 1 tầng đàn vuông ở dưới và 3 tầng đàn tròn bên trên.
PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế, cho rằng từ rất nhiều nghiên cứu cũng như đợt khảo cổ lần này cho thấy di tích này xứng đáng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
PGS.TS Đỗ Bang đề nghị cần nghiên cứu đầu tư không gian trưng bày về triều đại Tây Sơn cũng như tour du lịch liên quan.
|
Vết tích đàn tế nguyên gốc chỉ còn lại một khoảng mặt nền tầng 1 khá bằng phẳng, rộng 2m xuất lộ ở độ sâu 0,5m |
Một số ý kiến cũng cho rằng, giai đoạn “rực rỡ” của thời Tây Sơn là ở Phú Xuân - Huế, do đó cần quan tâm nghiên cứu xây dựng bảo tàng hoặc nhà trưng bày về triều đại Tây Sơn tại đây nhằm kết nối và phát huy giá trị di tích văn hóa - lịch sử.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khẳng định: Di tích đàn Nam Giao ở núi Bân là di tích quý trong hệ thống di tích về triều Tây Sơn. Do đó, đề xuất cần có thêm cuộc khai quật khảo cổ mở rộng của các chuyên gia, nhà nghiên cứu là rất hợp lý. Đây cũng là cơ sở để bổ sung hồ sơ khoa học và đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời, là cơ sở quan trọng và cần thiết để có kế hoạch phát huy giá trị di tích độc đáo này.
Ngày 25/11 Mậu Thân (22/12/1788), Nguyễn Huệ chọn núi Bân lập đàn Nam Giao cùng quan quân lên đàn làm lễ tế cáo trời đất đặt niên hiệu Quang Trung năm thứ nhất, thay thế niên hiệu Thái Đức năm thứ 11 của Nguyễn Nhạc và ra lệnh xuất quân. Núi Bân hiện ở xứ Cồn Mồ, thuộc xóm Hành, thôn Tứ Tây, phường An Tây, TP. Huế. Nơi đây không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên của Phú Xuân - Huế, mà còn là một di tích lịch sử đặc biệt. Chỉ trong một ngày đêm từ khi nhận được tin cấp báo ngày 24, đến ngày 25/11 Mậu Thân (1788) đã làm lễ xuất quân, nên không có công trình nào được xây dựng, mà chỉ tận dụng địa thế có sẵn của núi Bân bằng cách bạt núi, xẻ đường để lập đàn tế, tiến hành đại lễ nghi của vương triều. Núi Bân có độ cao 41m, diện tích mặt bằng khoảng hơn 8ha là một ngọn đồi trọc, cấu tạo bằng đá sa phiến. Núi Bân nằm ở phía tây núi Ngự Bình, cách đỉnh núi khoảng 620m, cách kinh thành Phú Xuân thời Quang Trung khoảng 3,5km về phía nam. |
Thuận Hóa