|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị du lịch với các bộ, ngành, DN và địa phương sáng nay, 15/11 - Ảnh: VGP |
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, du lịch có khởi sắc hơn. Đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách du lịch nội địa đang có dấu hiệu chững lại.
Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả...
|
Khách quốc tế tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch tại TPHCM - Ảnh: Chí Hùng |
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Hùng lý giải lượng khách đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm do một số thị trường trọng điểm mở cửa từng bước; công tác kết nối, khai thác các thị trường mới còn chậm; xu hướng lựa chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam; chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước dịch COVID-19.
Đồng thời, cũng có một số yếu tố tác động khác như lạm phát, tỉ giá tăng, xung đột chính trị, chi tiêu cho du lịch của du khách sụt giảm... Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, truyền thông của Du lịch Việt Nam còn hạn chế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia. Các cơ quan trong nước chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng "chặt, chém" du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy liên kết, kết nối giữa các vùng miền, các ngành, các doanh nghiệp.... Nhiều mối liên kết biến mất kể từ dịch bệnh, nên khi du lịch mở cửa lại đã nảy sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tăng giá tùy tiện. Ngành du lịch cũng không thể triển khai khuyến mại kích cầu, không xây dựng được sản phẩm có tính cạnh tranh khiến khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước.
Ông Vũ Thế Bình nêu hàng loạt vấn đề cần phải khắc phục như nhân lực; đầu tư nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới như du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch nông thôn...
|
Khách du lịch tham quan tour du lịch cộng đồng Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, Cần Giờ). Ảnh: Q.T |
Bộ VHTT&DL đề xuất nghiên cứu miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm thu hút nguồn khách từ những quốc gia này, đặc biệt là vào mùa thấp điểm. Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu... Xem xét, thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu,...
Song song đó, cần có chính sách đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện; Triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch, nhất là thị trường du lịch quốc tế như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia, Ấn Độ, Trung Đông...
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) đề nghị mục tiêu cao cho du lịch trong năm 2024, phấn đấu đón 18-20 triệu lượt khách thay vì 12-15 triệu khách. Bởi khi đặt mục tiêu cao, chúng ta mới có giải pháp đột phá, có động lực để phát triển. Do đó, ông Kỳ đề nghị tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển du lịch. |
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings (Vietjet Air) đề xuất Chính phủ, các bộ tiếp tục thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực (visa), hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới thúc đẩy nhu cầu của người dân, du khách. Đồng thời, đầu tư vào công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế. "Chúng tôi sẵn sàng đưa ra các sáng kiến phát triển du lịch trên nền tảng giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thời đại mới. Xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia.", Bà Thảo nêu. |
Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình (IPPG), đề xuất mô hình Factory Outlet trong khu phi thuế quan. Trên thế giới, mô hình này rất thành công, khẳng định được sức hút với du khách quốc tế và nội địa. Hiện nay, các nước trong khu vực đều có outlet với quy mô hiện đại, hấp dẫn du khách các nước đến mua sắm, kể cả người Việt Nam như Jeju Premium Outlet (Hàn Quốc), Siam Premimum Outlet (Thái Lan)… Nếu outlet của Việt Nam nằm trong khu phi thuế quan sẽ có tính ưu việt và là mô hình đầu tiên trong khu vực có giá bán lẻ rẻ, trực tiếp thu hút được lượng khách lớn từ các nước Đông Nam Á và các nước trong khu vực đến mua sắm thay vì họ phải bay đi châu Âu, châu Mỹ. Việc này sẽ góp phần giảm thiểu việc "chảy máu ngoại tệ" khi du khách Việt Nam giảm nhu cầu sang các nước khác mua sắm. Điển hình là khi du khách nội địa Trung Quốc được mua 15.000 USD miễn thuế/người/năm, trong năm 2022, Hải Nam tăng trưởng 80% về du lịch, đầu tư tăng gấp đôi, GDP tăng 4,2 lần. |
Quốc Thái