Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên từ cấp mầm non đến đại học

08/10/2024 - 14:50

PNO - Đề xuất giáo viên tuyển dụng được tăng 1 bậc khi xếp lương lần đầu; miễn học phí cho con giáo viên... là những đề xuất tại dự án Luật Nhà giáo.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình về dự án Luật Nhà giáo tại phiên họp Ủy ban thường vụ lần thứ 38 - ảnh Xuân Phú
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình về dự án Luật Nhà giáo tại phiên họp Ủy ban thường vụ lần thứ 38 - Ảnh: Xuân Phú


Sáng 8/10, tại phiên họp lần thứ 38 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã trình bày báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của các Ủy ban của Quốc hội đối với dự án Luật Nhà giáo.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, Luật Nhà giáo cần thiết được ban hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng văn bản có nhiều văn bản về nhà giáo nhưng chồng chéo, thiếu đồng bộ trong chế tài quản lý giữa nhà giáo trong công lập và nhà giáo ngoài công lập.

Bên cạnh đó, các quy định của Luật Viên chức không điều chỉnh đối với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo nước ngoài vào giảng dạy tại Việt Nam. Trong khi xu thế xã hội hóa giáo dục ngày càng được đẩy mạnh, số nhà giáo làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập này ngày càng tăng trong thời gian tới.

Dự án Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin...

Một trong số các chính sách đáng chú ý trong dự án Luật Nhà giáo là chính sách tiền lương và phụ cấp ưu đãi nghề. Theo dự thảo, bảng lương của giáo viên mầm non, phổ thông công lập có sự điều chỉnh để phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của công việc đối với nhà giáo ở các cấp học. Đồng thời phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến điều chỉnh đối với cấp mầm non tăng thêm 10% và tiểu học (thăng thêm 5%). Chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ vào khoảng 1.068 tỉ đồng/tháng, tức là hàng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỉ đồng.

Về quy định nhà giáo tuyển dụng, dự thảo nêu, giáo viên xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Cụ thể, hệ số lương khởi điểm hiện hành của giáo viên mầm non và hệ số lương xếp lên 1 bậc lần lượt là 2,10 và 2,41; của giáo viên tiểu học, THCS, THPT lần lượt là 2,34 và 2,67. Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, nếu thực hiện thao phương án này, chi phí phát sinh tăng thêm để trả lương nhà giáo sẽ khoảng 22 tỉ đồng/tháng. Tức hàng năm ngân sách phải bổ sung 264 tỉ đồng.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất Nhà nước sẽ trả tiền học phí cho con nhà giáo từ mầm non đến đại học. Căn cứ vào độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, số tiền học phí cần trả thêm hàng năm là hơn 9.000 tỉ đồng...

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay, có ý kiến đề nghị xác định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo. Đặc biệt nhất là chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo, chính sách bảo đảm chỗ ở tập thể hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở và các điều kiện thiết yếu khi đến công tác tại “vùng nông thôn”.

Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục nhất trí với quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm nghỉ hưu và không bị giảm tỉ lệ phần trăm lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.

Quy định về nghỉ hưu trước tuổi đối với nhà giáo trong trường, lớp dành cho người khuyết tật cần xem xét kỹ lưỡng hơn trong mối tương quan với các đối tượng nhà giáo khác và các đối tượng lao động khác trong môi trường tương tự.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI