Đề xuất lương vùng tăng 12,4%: Đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sống tối thiểu

05/09/2015 - 07:14

PNO - Sau ba phiên họp, ngày 3/9, Hội đồng tiền lương quốc gia quyết định đề xuất lên Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 lên 12,4%.

De xuat luong vung tang 12,4%: Dap ung khoang 80% nhu cau song toi thieu
Theo VCCI, nhiều doanh nghiệp chỉ có khả năng chi trả ở mức tăng lương tối thiểu trên dưới 10% - ẢNH: PHÙNG HUY

Đáp ứng trên 80% nhu cầu sống của người lao động

Cũng giống hai phiên họp trước, phiên họp lần thứ ba bàn về phương án tăng LTT vùng căng thẳng đến phút chót. Cả phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho người sử dụng lao động và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) - đại diện cho người lao động (NLĐ) đều bảo vệ ý kiến của mình.

Trao đổi với PV giữa giờ giải lao của phiên họp, ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho biết, trong lần họp này, phía Tổng LĐLĐ đã chấp nhận giảm mức đề xuất tăng LTT vùng năm 2016 từ 16,8% xuống còn 14,3% - tức bằng mức tăng của năm 2015. Tuy nhiên, phía VCCI vẫn không chấp nhận và chỉ đề xuất mức lương nhích hơn so với phương án cũ, cụ thể từ 10% lên 10,7%.

Sau hơn bốn giờ thương thảo và không tìm được tiếng nói chung, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia đã phải sử dụng “nước cờ cuối”, đó là đưa ra mức tăng lương để hội đồng bỏ phiếu.

Sau khi bỏ phiếu, hội đồng đã chốt đề xuất mức LTT vùng năm 2016 tăng 12,4% so với năm 2015. “Phiên họp có 14 thành viên tham gia bỏ phiếu và tỷ lệ đồng thuận là 92,8%.

Đây là phương án được các thành viên trong hội đồng đồng thuận cao nhất trong ba năm qua”, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH), Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia thông tin.

Với đề xuất này, mức LTT vùng năm 2016 ở khu vực I là 3,5 triệu đồng (tăng 400.000đ so với năm 2015), khu vực II là 3,1 triệu đồng (tăng 350.000đ so với năm 2015), khu vực III là 2,7 triệu đồng (tăng 300.000đ so với năm 2015), khu vực IV là 2,4 triệu đồng (tăng 250.000đ so với năm 2015).

Dù chưa có con số thống kê đầy đủ, chính xác, song ông Phạm Minh Huân cho rằng, mức đề xuất tăng LTT vùng lần này sẽ đáp ứng được khoảng trên 80% nhu cầu sống tối thiểu của người dân. Ông Huân cũng lưu ý, đây chỉ là mức sàn đưa ra để NLĐ và doanh nghiệp (DN) thỏa thuận lương.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân cho biết, Bộ LĐ-TBXH sẽ chỉ đạo bộ phận kỹ thuật xác định mặt bằng mới để tính lại lộ trình điều chỉnh tăng lương, dự kiến vào cuối năm 2015, đầu năm 2016.

Đồng thuận nhưng không thả mãn

Mặc dù tỷ lệ bỏ phiếu đồng thuận với phương án đề xuất của Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cao tới 92,8% nhưng trao đổi với PV, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI chia sẻ: “Chúng tôi vẫn chưa thực sự thỏa mãn với kết quả này”.

Theo ông Phòng, Hội đồng tiền lương quốc gia hoạt động trên quy chế đồng thuận nên phía đại diện cho người sử dụng lao động phải chấp nhận.

Bởi thực tế, khảo sát của VCCI tại 16 hiệp hội, ngành hàng cho thấy, DN chỉ có khả năng chi trả ở mức tăng trên dưới 10%, thậm chí có những ngành hàng cho rằng chỉ nên tăng 6-7%.

“Như đã phân tích, hiện nay, hoạt động của DN còn rất khó khăn nên con số này vượt quá khả năng chi trả của họ. Điều này đòi hỏi DN phải phấn đấu cật lực để đủ năng lực hội nhập, mặc dù đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn”, ông Phòng nhấn mạnh.

Phía VCCI cho biết, tới đây sẽ tập hợp ý kiến của các DN để kiến nghị lên Chính phủ giảm mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hoặc kéo dài lộ trình đóng BHXH trên tổng thu nhập của NLĐ để đáp ứng khả năng chi trả cho NLĐ của DN.

Trong khi đó, ông Mai Đức Chính cũng tỏ ra chưa bằng lòng với mức tăng do Hội đồng tiền lương chốt để đề xuất lên Chính phủ.

Trái với “nỗi lo” của VCCI, ông Chính cho rằng, mức tăng này về cơ bản không tác động tới DN: “Trên thực tế, NLĐ đã được trả mức lương cao hơn so với LTT. Nhiều DN đã trả gấp rưỡi mức LTT. Có chăng, DN bị tác động về mức đóng BHXH khi tới đây, mức đóng này sẽ quy định trên tổng thu nhập của NLĐ vào năm 2018”.

Bác bỏ lập luận của VCCI khi cho rằng năng suất lao động thấp khiến tăng LTT thấp, ông Mai Đức Chính khẳng định đây là cách đặt vấn đề không đúng. Theo ông, LTT không gắn với năng suất lao động.

Hiện nay, NLĐ ở VN chủ yếu làm gia công nên việc tăng năng suất lao động có một phần lớn trách nhiệm của DN khi chưa cải tiến máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật. “Suốt ngày tăng ca thì lấy đâu NLĐ được học hành để nâng cao tay nghề”, ông Chính bức xúc.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI