Đề xuất lương giáo viên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương

25/09/2024 - 15:20

PNO - Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp khác.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng trình bày tờ trình dự án Luật Nhà giáo tại phiên họp sáng 25/9 - ảnh QH
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng trình bày tờ trình dự án Luật Nhà giáo tại phiên họp sáng 25/9 - Ảnh: Q.H.

Sáng 25/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng trình bày dự án Luật Nhà giáo.

Liên quan chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian công tác với nhà giáo, dự thảo Luật quy định riêng giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật được nghỉ hưu trước 5 năm theo quy định về tuổi nghỉ hưu.

Quy định này nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mầm non và phù hợp với hiện trạng điều kiện lao động của giáo viên mầm non. Hiện nay đã có báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh điều kiện lao động của giáo viên mầm non nằm trong các chỉ số nghề “nặng nhọc”.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đội ngũ tri thức theo tinh thần của Nghị quyết số 45, Điều 49 dự thảo Luật quy định việc kéo dài thời gian thời gian làm việc đối với nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục để tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, cho phép cơ sở giáo dục (bao gồm cả các cơ sở giáo dục phổ thông) có thể ký hợp đồng lao động với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng.

Về quy định chính sách tiền lương, dự thảo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật cũng quy định tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo quy định tại Luật này có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

“Đồng thời, để đảm bảo nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên cho đến khi Nhà nước có hướng dẫn mới về chính sách tiền lương, dự thảo Luật quy định tại Điều khoản chuyển tiếp: “Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới” - ông Phạm Ngọc Thưởng nói.

Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đồng tình cần có chính sách tiền lương cho nhà giáo nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.

“Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương này cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương; tránh cách hiểu sẽ có một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo” - ông lưu ý.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục cho rằng cần có chính sách hỗ trợ và chính sách thu hút nhà giáo, tuy nhiên, cần đánh giá tác động, xác định đối tượng nhà giáo được thụ hưởng, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách.

Thảo luận tại phiên họp, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí với việc xây dựng quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo để cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Dù vậy, việc cải cách tiền lương cho nhà giáo rất khó khăn, phức tạp, cần nghiên cứu, rà soát để linh hoạt hơn khi triển khai. Theo đó, có thể nghiên cứu theo hướng có chế độ đãi ngộ, thu hút người tài trong lĩnh vực giáo dục, tránh tình trạng "sống lâu thành lão làng", trong khi những người giỏi vào ngành giáo dục sau thì không có chính sách khuyến khích.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI