Đề xuất loạt chính sách đặc thù để phát triển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

14/02/2025 - 09:56

PNO - Chính phủ đề xuất loạt cơ chế chính sách đặc thù để phát triển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận như hợp đồng "chìa khóa trao tay", đền bù, tái định cư...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trình bày loạt cơ chế, chính sách đặc thù cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trình bày loạt cơ chế, chính sách đặc thù cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - Ảnh: Media Quốc hội

Sáng 14/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày nội dung các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đây là dự án đặc biệt quan trọng, có công nghệ phức tạp, chỉ một số ít quốc gia sở hữu. Dự án có nhu cầu vốn đầu tư rất lớn và lần đầu tiên được đầu tư xây dựng tại nước ta nên rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện.

Chính phủ trình 10 nhóm cơ chế chính sách đặc thù cho dự án. Điển hình như, đề nghị cho phép triển khai đồng thời các công việc về đàm phán các hiệp định, thoả thuận với đối tác song song với quá trình lập các hồ sơ và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư.

Về lựa chọn chủ đầu tư và nhà thầu, áp dụng hình thức hợp đồng "chìa khóa trao tay" và chỉ định thầu đối với gói thầu "chìa khóa trao tay" xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong thỏa thuận hoặc Hiệp định liên Chính phủ. Chính phủ cũng đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng để lập, thẩm tra, thẩm định, trợ giúp chủ đầu tư quản lý, thực hiện dự án; mua nhiên liệu, thuê đối tác vận hành, bảo dưỡng trong thời gian đầu.

Dự án được đàm phán vay vốn Chính phủ với các đối tác; cho phép chủ đầu tư vay lại không chịu rủi ro tín dụng; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Chủ đầu tư được sử dụng nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ/doanh nghiệp, công trình và một số cơ chế khác để có đủ vốn đối ứng thực hiện dự án. Ngoài ra, Ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện dự án di dân, tái định cư.

Chính phủ cũng đề xuất có cơ chế, chính sách cho tỉnh Ninh Thuận thực hiện dự án đền bù, tái định cư nhà máy điện hạt nhân; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng điện hạt nhân; đảm bảo cung cấp vật liệu cho xây dựng dự án; đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vùng dự án.

Các cơ chế, chính sách cần thiết khác sẽ được nghiên cứu cụ thể để tổng hợp, báo cáo trong hồ sơ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

“Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù nêu trên là rất cấp thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới” - ông Nguyễn Hồng Diên nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy lưu ý đánh giá đầy đủ tiềm
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy lưu ý đánh giá đầy đủ các rủi ro tiềm ẩn của dự án để phòng ngừa - Ảnh: Media Quốc hội

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, cơ quan thẩm tra nhất trí cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền và lấy ý kiến các cơ quan liên quan về các cơ chế đề xuất, nhằm đảm bảo thống nhất, khả thi và "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu".

Chính phủ cần chỉ đạo xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các rủi ro tiềm ẩn để có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho dự án.

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành cơ chế áp dụng chỉ định thầu gói thầu "chìa khóa trao tay” để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Song, ông Lê Quang Huy lưu ý, hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện.

Để giảm thiểu rủi ro, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của hình thức hợp đồng này. Đồng thời đề nghị có quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là các cam kết về công nghệ, bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi hoàn thành dự án.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI