Đề xuất không công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước 31/5

31/10/2024 - 15:46

PNO - Đề xuất này được ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - nêu tại hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 sáng 31/10.

Theo ông Chương, 31/5 là thời điểm kết thúc năm học. Điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm cần được công bố sau thời gian này, tránh ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và việc học tập của học sinh.

Luật Giáo dục đại học cho phép đại học tự chủ tuyển sinh. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, các trường sử dụng tổng cộng hơn 20 cách xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm (bằng điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế, đánh giá năng lực, tư duy, kết hợp...). Năm ngoái, 214 trong 322 trường xét tuyển sớm, số sinh viên trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em (gần 50% tổng số đăng ký xét tuyển đại học).

Một tiết học môn đại lý của học sinh lớp Mười hai Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TPHCM) - Ảnh: Trang Thư
Một tiết học môn địa lý của học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TPHCM) - Ảnh: Trang Thư

Nhiều chuyên gia cho rằng việc này gây ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục phổ thông giai đoạn cuối, nguồn dữ liệu dùng xét tuyển cũng không đầy đủ do học sinh chưa học hết lớp 12. Các trường dùng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu xét tuyển đầu vào bằng điểm thi tốt nghiệp bị thu hẹp. Nhiều em điểm cao nhưng không đỗ nguyện vọng mình yêu thích.

Ngoài ra, Cục Quản lý chất lượng đề xuất Bộ GD-ĐT ban hành quy định để kiểm tra, giám sát chất lượng các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các trường đại học tự tổ chức. Cả nước hiện có khoảng 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy do các trường đại học tổ chức. Năm 2023, trong hơn nửa triệu thí sinh đỗ đại học, khoảng 2,57% nhập học bằng cách xét điểm các kỳ thi riêng.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI