Đề xuất hơn 122 tỉ đồng phát triển văn hóa

03/06/2024 - 10:10

PNO - Theo đề xuất của Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 cần hơn 122 tỉ để triển khai.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng thông tin, Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa dự kiến có tổng số vốn ttriển khai là hơn 122 tỉ đồng
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình

Bước chuyển phát triển toàn diện văn hóa

Sáng 3/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, chương trình có 7 mục tiêu tổng quát:

Thứ nhất, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.

Thứ hai, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân.

Thứ ba, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Thứ tư, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao.

Thứ sáu, phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo.

Thứ bảy, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Chương trình gồm 10 nội dung thành phần, bao gồm: phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật...

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép chương trình thực hiện trong thời gian 2025-2035.

Năm 2025 chỉ tập trung chỉ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý chương trình, chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Kỳ trung hạn 2026 - 2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua. Giai đoạn thứ 2 theo kỳ trung hạn 2031 - 2035, tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.

Tổng số vốn lớn, cần làm rõ căn cứ

Có ý kiến cho rằng, số vốn cho chương trình này cao hơn so với một số chương trình khác nên cần làm rõ căn cứ
Có ý kiến cho rằng, vốn cho chương trình này cao hơn so với một số chương trình khác - Ảnh minh họa

Theo tờ trình, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 tối thiểu khoảng 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%).

Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng (chiếm 24,6%). Trong đó, vốn đầu tư phát triển 18.000 tỉ đồng, vốn sự nghiệp 12.250 tỉ đồng, vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng (chiếm 12,4%).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tổng số vốn dự kiến dành cho chương trình khá lớn, cao hơn số vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện và gấp nhiều lần so với chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã thực hiện các giai đoạn trước.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015 xác định tổng kinh phí là 7.399 tỉ đồng. Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 tổng kinh phí là 10.620 tỉ đồng. Do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định con số này.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ hơn căn cứ xác định tỉ lệ vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương; làm rõ hơn cơ sở xác định cơ cấu vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.

Bởi, qua kết quả triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong các giai đoạn trước và kết quả khảo sát thực tiễn tại một số địa phương, nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có khả năng tự cân đối ngân sách.

Đối với nguồn huy động hợp pháp khác, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho hay, cần làm rõ căn cứ và tính khả thi của việc xác định tổng nguồn vốn huy động hợp pháp thực hiện chương trình. Đồng thời, nghiên cứu quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích của nhà nước đối với khu vực tư nhân, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI