Đề xuất hỗ trợ 50 ngàn đồng/ngày/người bán vé số; tập trung cách ly người lang thang, ăn xin

01/04/2020 - 15:33

PNO - Kể từ hôm nay, ngày 1/4, người bán vé số chính thức “thất nghiệp” trong 15 ngày, TPHCM đã lên phương án hỗ trợ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong. Riêng đối với người xin ăn, sinh sống nơi công cộng, không nơi cư trú ổn định, chính quyền quyết liệt tập trung, đưa đi cách ly.

Gần 8.000 người bán vé số được hỗ trợ

Ngay trong chiều 30/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng: “Chính phủ đã dừng dịch vụ xổ số kiến thiết, kéo theo một bộ phận người bán vé số sẽ gặp khó khăn. Họ phải kiếm ăn từng bữa bằng tiền hoa hồng bán vé số, có người còn gửi về nuôi gia đình, do vậy chúng ta phải có sự chia sẻ với họ trong lúc tạm ngưng phát hành vé số này”. Ông Phong đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM lên phương án hỗ trợ người bán vé số trong 2 tuần "thất nghiệp".

Gần 8.000 người bán vé số tại TPHCM - theo thống kê đến trưa nay, ngày 1/4, sẽ được thành phố hỗ trợ 50 ngàn đồng/ người/ ngày trong suốt 15 ngày, dù
Gần 8.000 người bán vé số tại TPHCM - theo thống kê đến trưa nay, ngày 1/4, sẽ được thành phố hỗ trợ 50 ngàn đồng/người/ngày trong suốt 15 ngày

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, tính đến trưa nay, ngày 1/4, thành phố đã thống kê được gần 8.000 người bán vé số trên toàn địa bàn.

“Sở tham mưu, đề xuất UBND TPHCM sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ Vì người nghèo của thành phố và Quỹ  người nghèo của 24 quận, huyện để hỗ trợ họ” - ông Tấn cho biết.

Cũng theo ông Tấn, mức hỗ trợ sẽ là 750 ngàn đồng/người bán vé số, vị chi mỗi người được nhận 50 ngàn đồng/ngày trong suốt 15 ngày “thất nghiệp”.

Thông tin thêm về con số gần 8.000 người bán vé số này, ông Tấn khẳng định, tất cả, dù có hộ khẩu thường trú hay không thì đều nhận được hỗ trợ.

“Họ đều là công dân Việt Nam, nhiều trường hợp cuộc sống nơi quê nhà khó khăn nên mới về TPHCM mưu sinh, vậy chúng ta phải có trách nhiệm chia sẻ với họ ngay trong giai đoạn này” - ông Tấn nói.

Đến hết ngày 3/4, cách ly tập trung người xin ăn, sinh sống nơi công cộng

UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo UBND 24 quận, huyện tăng cường kiểm tra, tập trung toàn bộ người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định, đặc biệt là người cao tuổi vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội hoặc Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (đối với trường hợp có biểu hiện tâm thần).

Đến ngày 3/4, các quận huyện phải giải quyết xong công tác tập trung người lang thang, xin ăn...
Đến ngày 3/4, các quận huyện phải giải quyết xong công tác tập trung người lang thang, xin ăn...

Theo UBND TPHCM, đết hết ngày 3/4/2020, công tác tập trung nói trên phải hoàn thành; đặc biệt, chú trọng tập trung người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định tại khu vực cửa ngõ, trước cổng các siêu thị, chợ, bệnh viện và tại các giao lộ lớn của thành phố.

“Chủ tịch UBND các quận, huyện là người chịu trách nhiệm nếu còn tình trạng các đối tượng này tiếp tục xin ăn trên địa bàn” - chỉ đạo nêu rõ. Song song, các quận, huyện cần trang bị khẩu trang cho các đối tượng ngay khi thực hiện việc tập trung; thực hiện khai báo y tế và phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở để tổ chức cách ly y tế kịp thời tại địa phương.

UBND TPHCM đồng thời giao Công an TPHCM tổ chức điều tra, xử lý triệt để đối với người có hành vi tổ chức, xúi giục, ép buộc người khác đi xin ăn, chăn dắt, lợi dụng các đối tượng yếu thế để trục lợi. Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM được giao ngăn chặn các trường hợp xin ăn, bán hàng rong đeo bám, làm phiền du khách.

Người xin ăn, lang thang... sẽ được cách ly tập trung 14 ngày - với đầy đủ chế độ của người được đưa ly cách ly -
Người xin ăn, lang thang... sẽ được cách ly tập trung 14 ngày - với đầy đủ chế độ của người được đưa đi cách ly - nhằm tránh cho họ bị lây nhiễm COVID-19 và có thể là nguồn lây lan trong cộng đồng

“Nhân dân không cho tiền trực tiếp các đối tượng xin ăn trên đường phố mà nên gửi tiền hoặc hiện vật đến các quỹ từ thiện của các tổ chức, đơn vị có chức năng làm công tác từ thiện xã hội” - UBND TPHCM khuyến cáo.

Riêng với nhóm người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, sau khi tập trung; thành phố sẽ thực hiện cách ly họ 14 ngày. Sau mốc thời gian này, sẽ phân loại và đưa về các trung tâm bảo trợ theo quy định cho từng đối tượng.

“Thực chất, công tác này thành phố vẫn thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, họ có thể sẽ trở thành đối tượng dễ lây nhiễm và là nguồn lây lan trong cộng đồng nên chúng tôi phải tiến hành quyết liệt” - ông Tấn khẳng định.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI