Đề xuất Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế

10/11/2023 - 16:02

PNO - Dự án Luật Thủ đô quy định Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế của địa phương.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), chiều 10/11
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), chiều 10/11

Phân quyền mạnh trong tổ chức bộ máy, biên chế

Chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật thủ đô (sửa đổi).

Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định sự cần thiết ban hành dự thảo luật để thực hiện Nghị quyết của Trung ương, xây dựng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Đồng thời, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 9 năm thi hành Luật Thủ đô (năm 2012).

Theo đó, về mô hình tổ chức, dự thảo Luật quy định thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) phường ở Hà Nội; tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỉ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3 người); mở rộng thành phần Thường trực HĐND. HĐND TP được thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện...

Tại phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long xin ý kiến Quốc hội xem xét, quyết định về biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức của TP Hà Nội.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định, TP Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế. Việc tăng thêm biên chế dựa vào thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội… HĐND TP Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm.

Bộ trưởng Lê Thành Long phân tích, quy định này bảo đảm tính linh hoạt, chủ động cho TP Hà Nội trong việc quyết định biên chế. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này khác với quy định tại Quy định số 70 của Ban Chấp hành trung ương là "Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị theo nhiệm kỳ 5 năm và khi cần thiết; quyết định giao biên chế cho các cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền quản lý biên chế".

Di dời các khu công nghiệp, cơ sở y tế nguy cơ truyền nhiễm cao khỏi nội đô

Hà Nội sẽ di dời các khu công nghiệp, cơ sở y tế truyền nhiễm ra khỏi nội đô
Hà Nội sẽ di dời các khu công nghiệp, cơ sở y tế truyền nhiễm ra khỏi nội đô

Dự thảo Luật cũng quy định nhiều chính sách liên quan tới quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; phát triển văn hoá, giáo dục và an sinh xã hội Thủ đô. Trong đó, đáng lưu ý, dự thảo Luật cho phép cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài; HĐND TP quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học. 

Về chính sách xã hội, HĐND TP quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội...

Liên quan tới vấn đề bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng đất đai, dự thảo Luật quy định di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài hoặc thâm dụng lao động, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, đô thị trung tâm. Việc thu mua, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch được phép nhận các chính sách ưu tiên, hỗ trợ.

Tương tự cơ chế áp dụng cho TPHCM, dự thảo Luật quy định giao Hội đồng nhân dân TP Hà Nội ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với thực tiễn; chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha, đất trồng lúa dưới 500 ha sang mục đích khác.

Về lĩnh vực đầu tư, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Các dự án TOD được xác định là dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô. Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền xây dựng và sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD. Tiền thu được sẽ đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông kết nối với đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga.

Tăng thu nhập thêm cho cán bộ, công chức, viên chức

Tương tự cơ chế áp dụng cho TPHCM, dự thảo Luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô, một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI