Đề xuất "gỡ khó" cho các công trình giao thông có mức đầu tư lớn

27/10/2023 - 16:44

PNO - Với các dự án giao thông đường bộ thực hiện theo hình thức PPP, theo đề xuất, tỉ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70%, thay vì 50% như trước.

 

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đề xuất "nới" mức vốn Nhà nước tham gia các dự án giao thông PPP lên không quá 70%, nhằm gỡ khó cho các công trình có tổng mức đầu tư lớn, nhu cầu giải phóng mặt bằng cao

Chiều 27/10, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Ông Nguyễn Chí Dũng cho hay, thời gian qua, việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ được đầu tư. Hiện có nhiều công trình trọng điểm, hiện đại được đưa vào khai thác như các tuyến cao tốc: Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái, La Sơn - Túy Loan, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã bộc lộ, phát sinh một số quy định cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, nhằm khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công vào lĩnh vực giao thông đường bộ, là một trong những lĩnh vực hạ tầng quan trọng quốc gia.

Dự thảo Nghị quyết gồm 10 điều với nội dung chính gồm 5 nhóm chính sách, trong mỗi chính sách sẽ có danh mục thí điểm kèm theo. Cụ thể như về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, Chính phủ đề nghị xác định hoặc dự kiến được nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai thực hiện dự án. Trường hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương phải có cam kết bố trí vốn của HĐND cấp tỉnh trước khi cấp có thẩm quyền quyết định danh mục dự án được áp dụng chính sách thí điểm; dự án có địa điểm, thời gian thực hiện rõ ràng, cụ thể…

Đối với các dự án giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), tỉ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

"Theo quy định hiện hành, tỉ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên thực tế hiện nay, một số dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Ngoài ra, có một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều, chiếm tỉ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án. Nếu áp dụng tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định hiện hành, theo ông sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư để triển khai theo phương thức PPP.

Chính sách đề xuất nhằm tạo động lực hơn nữa trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân, bảo đảm hiệu quả tài chính dự án, hấp dẫn các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng. Quy định này tương tự như Quốc hội đã cho phép áp dụng với Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TPHCM.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ sự đồng tình bởi các dự án giao thông đường bộ thường có chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổng mức đầu tư rất lớn, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia đầu tư. Đặc biệt là đối với các dự án có nhu cầu vận tải không cao. 

Dự thảo nghị quyết cũng quy định: Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, thực tế hiện nay, nhiều địa phương có văn bản đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư, nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn quản lý nhằm giải quyết những bức xúc về hạ tầng giao thông tại địa phương. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành  không cho phép.

Về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI