Đề xuất giảm số lượng ngân hàng thương mại nếu không kiểm soát được

05/06/2023 - 17:46

PNO - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đề nghị giảm ngân hàng thương mại nếu không có đóng góp lớn trong phát triển kinh tế xã hội.

 

ĐBQH Dương Ngọc Hải
ĐBQH Dương Ngọc Hải 

Đề xuất cấm nhân viên ngân hàng môi giới trái phiếu sai quy định

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dư án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), chiều 5/6, ĐBQH Dương Ngọc Hải (TPHCM) chia sẻ, hiện nay, thị trường ngân hàng, tín dụng hoạt động còn nhiều bất cập, chưa lành mạnh; có tình trạng sở hữu chéo, vi phạm pháp luật. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn quá nhiều bất ổn, thị trường chứng khoán phát triển trồi sụt, chưa ổn định… Ngoài ra, thị trường ngân hàng thương mại chưa thể hiện được vai trò kênh dẫn vốn quan trọng.

Do đó, ông nhấn mạnh việc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng sẽ giúp sửa đổi, bổ sung, khắc phục được những bất cập, thúc đẩy phát triển thị trường ngân hàng ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh.

ĐBQH đề nghị bổ sung một số hành vi cấm, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua như: môi giới trái phiếu không đúng pháp luật; ép khách hàng mua bảo hiểm để đủ điều kiện vay vốn…

Theo ông Dương Ngọc Hải, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro, chưa phải kênh cấp vốn cho thị trường. Ngân hàng vẫn đang là kênh cấp vốn cho nền kinh tế. Nếu quy định mức dư nợ cấp tín dụng quá thấp sẽ là điều bất cập. Hiện nay, các doanh nghiệp rất cần vốn tín dụng để phục hồi sau đại dịch. Nếu luật có hiệu lực, hạn mức tín dụng kéo xuống sẽ làm kinh tế khó khăn hơn; thu hút FDI bị ảnh hưởng vì rất nhiều doanh nghiệp đang vay vốn trong nước.

Dự thảo lần này cũng đề xuất biện pháp can thiệp khi tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt. ĐB khẳng định điều này là cần thiết để hỗ trợ tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống. Tuy nhiên, ông cho rằng, các biện pháp hiện nay chủ yếu đến từ phía Ngân hàng Nhà nước mà chưa thấy các giải pháp tự thân từ trong ngân hàng bị rút tiền hàng loạt. Thậm chí, trong dự thảo cũng chưa có biện pháp xử lý các tổ chức tín dụng để xảy ra vấn đề này.

“Nếu quy định như thế này sẽ làm các tổ chức tín dụng ỷ lại, có suy nghĩ nếu gặp phải tình huống này Ngân hàng Nhà nước sẽ nhảy vào cứu” - ông nói.

Về mua bán nợ xấu, dự thảo đang quy định giá bán phù hợp với giá thị trường. ĐBQH Dương Ngọc Hải cho rằng, quy định chung chung như vậy sẽ gặp vướng trong triển khai. Ông đặt câu hỏi, như thế nào là giá thị trường, thời gian qua đã có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật liên quan tới định giá theo giá thị trường.

"Chưa có nước nào nhiều ngân hàng thương mại như chúng ta"

Ông Lê Minh Trí cho rằng, cần tính tới lộ trình giảm số lượng ngân hàng thương mại cổ phần nếu

Ông Lê Minh Trí cho rằng, cần tính tới lộ trình giảm số lượng ngân hàng thương mại cổ phần nếu không có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội 

Viện trưởng Viện Kiểm soát nhân dân tối cao Lê Minh Trí (ĐBQH đoàn TPHCM) cho rằng, để ngăn ngừa, xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo, phải phòng ngừa từ trước để hạn chế, nếu xảy ra mới xử lý thì sẽ chậm.

Ông cũng đề cập tới số lượng ngân hàng thương mại hiện nay ở Việt Nam: “Chưa có nước nào mà ngân hàng thương mại nhiều như chúng ta, nên nếu kiểm soát không được, phải tính đến lộ trình giảm ngân hàng thương mại”.

ĐB phân tích, nếu có quá nhiều ngân hàng thương mại thì sẽ xảy ra cạnh tranh không lành mạnh, chính vì vậy, cần giảm số lượng các ngân hàng thương mại nếu thấy không có tác dụng lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Nếu thanh tra, kiểm tra mà phát hiện ngân hàng chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình; khi rủi ro xảy ra thì Ngân hàng Nhà nước phải gánh là không ổn.

“Phải xem xét trách nhiệm của ngân hàng như ĐB Dương Ngọc Hải nói, không cứ xảy ra thì dùng tiền người dân gánh. Đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo chức năng cho vay đúng nghĩa một tổ chức tín dụng”, ông kiến nghị.

Ông cho hay, trong Quyết định 986 của Thủ tướng Chính phủ nói rất cụ thể: cần rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về ngăn ngừa sở hữu chéo, ngăn ngừa quyền quản trị, điều hành của cổ đông lớn để thao túng hoạt động các tổ chức tín dụng, hạn chế việc chi phối, thâu tóm... yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, trước hết là Ngân hàng Nhà nước cần đề ra những giải pháp có tính khả thi.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI