|
Căn nhà 67m2 trong con hẻm này được kêu giá 4,2 tỷ đồng và một người lao động bình thường có thể sẽ cần đến hơn 30 năm mới mong sở hữu - Ảnh: Batdongsan.com.vn |
Sống có cái nhà, chết có nấm mồ là giấc mơ của bao người dân Việt. Trong văn hóa nước ta, người đàn ông bước ra đời mang 3 trọng trách, theo thứ tự khó dần: tậu trâu, lấy vợ, làm nhà và chỉ đến khi an cư mới mong lạc nghiệp.
Thế nhưng với đề xuất ban hành Luật thuế bất động sản của Bộ Tư pháp nhằm đánh thuế nhà ở, căn hộ chung cư cũng như tăng thuế đất ở; giấc mơ an cư của nhiều người hẳn sẽ xa vời hơn.
Theo Bộ Tư pháp, việc đánh thuế đối với nhà ở là để phù hợp với thông lệ quốc tế (không rõ thông lệ ấy có đạt quá nửa số quốc gia và vùng lãnh thổ hay không), góp phần hạn chế đầu cơ nhà, khuyến khích sử dụng nhà ở tiết kiệm, hiệu quả. Ngoài ra, việc đánh thuế nhà ở còn nhằm góp phần tăng thu cho ngân sách.
Không khó để nhận thấy, hiện nay, các nhà đầu cơ đất đai, nhà cửa đều đang đứng tên sở hữu nhiều hơn 1 căn nhà/mảnh đất. Trong khi đó, chỉ riêng tại TPHCM đã có cả triệu người nhập cư hiện đang phải sống tạm bợ trong các phòng trọ, căn hộ cho thuê giá rẻ. Thậm chí, ngay cả bản thân người viết, sở hữu nhà tại TPHCM cũng là giấc mơ xa xỉ suốt mấy mươi năm, đến nay vẫn chưa thực hiện được. Giả sử một ngày, sau cả đời làm lụng, dành dụm, tôi đủ tiền mua nhà thì vẫn chưa thể mua nhà, do phải tiếp tục dành dụm khoản tiền sẽ phải nộp thuế và đó là mức thuế lũy tiến.
Thử thực hiện một khảo sát nhỏ trên trang rao bán bất động sản, ta có kết quả một căn nhà hẻm ở đường Âu Dương Lân, quận 8, TPHCM diện tích 67,2m2 thì giá bán đã là 4,2 tỷ đồng. Một căn nhà diện tích 4x10 trong con hẻm chỉ rộng 3m trên đường Phan Văn Hớn, quận 12, được kêu giá 3,59 tỷ đồng. Nếu lấy mức lương trung bình của một người lao động tại TPHCM là 15 triệu đồng/tháng, người ấy sẽ cần làm việc liên tục trong 239 tháng (không chi tiêu, không đau ốm) tức 20 năm. Dĩ nhiên, đó mới là tiền mua nhà, chưa tính tiền thuế, phí. Các nhà đầu cơ bất động sản, một khi đã bước vào cuộc đầu cơ, sẽ khó có chuyện chịu thiệt mà sẽ đẩy giá nhà đất lên để bù khoản tiền đóng thuế, nghĩa là ước mơ có nhà của những người thực sự cần căn nhà để an cư sẽ càng xa.
Đương nhiên, ta có thể nói về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân - những loại nhà được miễn thuế. Nhưng ta đã xây được bao nhiêu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên tổng lượng căn hộ hiện có, đang xây dựng trên thị trường? Kể cả trong trường hợp đó, trong 10 nhóm đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội, bao nhiêu người dân nhập cư đủ điều kiện?
Vẫn theo đề xuất của Bộ Tư pháp, những căn hộ chung cư bình dân sẽ có mức thuế thấp, riêng căn hộ giá trên 50 triệu đồng/m2 sẽ phải chịu mức thuế cao. Nhưng hiện có bao nhiêu căn hộ tại TPHCM bán dưới giá 50 triệu đồng/m2?
Đánh thuế bất động sản nhằm tái phân phối lợi ích xã hội, hỗ trợ người yếu thế là điều đúng đắn trên hành trình hướng đến mục tiêu ai cũng có nhà ở. Song chính sách ấy, như nhiều chuyên gia từng đề xuất, nên đánh vào căn hộ, mảnh đất thứ hai trở lên, (những người mua không phải để ở mà cho thuê hoặc đầu cơ), chứ không phải ngay từ căn nhà đầu tiên - cái lắm khi cả đời người mới có được. Ngoài ra, chính sách thuế cũng cần tính đến yếu tố địa phương. Nếu mua nhà trên 50 triệu/m2 phải gánh thêm thuế, với giá nhà ở TPHCM có lẽ khó có người dân nào thoát cảnh chịu thuế và ngay cả việc mơ có nhà ở họ cũng không còn dám nghĩ đến.
Phạm Thành Nhân