Đề xuất đồ uống càng ngọt, càng bị áp thuế cao

23/03/2023 - 17:11

PNO - Bộ Y tế đề xuất đánh thuế các sản phẩm đồ uống có đường theo phương thức, đường càng cao, thuế càng nhiều.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ ra, đồ uống có đường là một trong những căn nguyên gây ra tình trạng béo phì, thừa cân ở Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ ra, đồ uống có đường là một trong những căn nguyên gây ra tình trạng béo phì, thừa cân ở Việt Nam

Sữa uống có bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt?

Ngày 23/3, Bộ Y tế tổ chức hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường với sức khỏe và tác động của chính sách thuế và giá.

Bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ pháp chế - cho biết, trong 10 năm qua, mức tăng trưởng tiêu dùng các dòng sản phẩm nước ép trái cây, thức uống thể thao, nước tăng lực, các loại trà uống liền rất cao. Dự báo mức tăng trưởng dương từ 3-5% trong 5 năm nữa. Điều này có thể cho thấy, trong tương lai không xa, các sản phảm này sẽ tiếp tục góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở Việt Nam.

Ngoài ra, dòng sản phẩm đồ uống có cồn có đường dưới dạng nước trái cây lên men (cider) tuy mới xuất hiện trên thị trường nhưng ngày càng được vị thành niên Việt Nam và nữ giới ưa thích, sẽ góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở nhóm người tiêu dùng này.

Việc sử dụng đồ uống có đường gây nhiều mối nguy hại cho sức khỏe con người. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, căn nguyên gây béo phì và bệnh không lây nhiễm là việc  sử dụng đường không có kiểm soát, đặc biệt là tiêu thụ đồ uống có đường ở cả người lớn và trẻ em. Ông đánh giá cần phải xây dựng danh mục thực phẩm lành mạnh để trẻ em không bị lôi cuốn theo thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hồng Diễm - Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, một lon nước ngọt 300 hoặc 330ml cung cấp tới 30-40g đường. Tiêu thụ đồ uống có đường có nguy cơ gây thừa cân béo phì, sâu răng, đái tháo đường típ 2, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa khác và một số bệnh ung thư. Các sản phẩm này góp phần tạo ra gánh nặng cho cá nhân, xã hội khi làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động do bệnh tật, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống…

Từ thực trạng trên, Bộ Y tế cho rằng, cần áp dụng với các giải pháp khác nhau như truyền thông, ghi nhãn đồ uống có đường. Tuy nhiên, nếu chỉ truyền thông thôi thì hiệu quả không cao và cần rất nhiều năm để có thể thay đổi được thói quen người tiêu dùng.

"Thuế và giá là biện pháp mạnh cùng với kiểm soát quảng cáo, giảm tính sẵn có của sản phẩm" - bà Trần Thị Trang nói và đề xuất cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Bộ Y tế đề xuất áp dụng đánh thuế dựa trên hàm lượng đường, cụ thể là sử dụng phương thức đánh thuế theo hàm lượng đường trong 100ml đồ uống. Cụ thể, sẽ có quy định ngưỡng, dưới ngưỡng không đánh thuế. Nếu hàm lượng đường trên ngưỡng này đánh theo mức đường càng nhiều, thuế càng cao.

Một số sản phẩm dinh dưỡng gồm sữa, các sản phẩm sữa, các sản phẩm từ sữa... có hàm lượng đường thấp (ví dụ như sữa ít đường) được đề xuất chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Cân nhắc thời điểm vì ngành giải khát đang gặp khó

Tuy nhiên, tại hội thảo, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ CôngThương) cho biết cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thời điểm áp dụng vì ngành giải khát hiện cũng đang gặp không ít khó khăn.

Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát cung cấp việc làm trực tiếp cho hơn 300.000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động. Các doanh nghiệp lớn có số lao động lên tới khoảng 3.000 người, kéo theo chuỗi giá trị với quy mô gấp 6-9 lần, bao gồm nhà cung ứng, phân phối, thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tác động lan tỏa lớn với nền kinh tế.

Trong khi đó, thống kê cho thấy, doanh thu ngành nước giải khát năm 2020 giảm mạnh tới 17% so với năm 2019. Về lợi nhuận, trong năm 2020 lợi nhuận trung bình của ngành nước giải khát giảm 94,96% so với năm 2019. Tác động của dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm của người lao động trong ngành sản xuất và kinh doanh nước giải khát.

Bước vào năm 2022, mặc dù có sự phục hồi trở lại của ngành nước giải khát do sự mở cửa trở lại của các ngành du lịch và ăn uống, tuy nhiên lợi nhuận gộp của ngành dự kiến vẫn sẽ giảm do giá của các nguyên vật liệu đầu vào đều đang ở mức cao, trong đó có xăng dầu, đường, nhôm và nhựa.

"Thời điểm áp dụng việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần cân nhắc cho phù hợp; cần được xem xét theo đúng quy trình bao gồm cả việc lấy ý kiến các doanh nghiệp, đảm bảo đánh giá kỹ lưỡng đầy đủ và có sự thống nhất" - đại diện Bộ Công Thương nói.

Hiện nay, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành liên quan đang xây dựng dự thảo về thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI