Đề xuất đầu mối hướng dẫn nhà đầu tư thủ tục liên quan tuyến metro quận 7 nối Cần Giờ

26/03/2025 - 14:41

PNO - Sở Giao thông Công chánh TPHCM vừa có công văn gửi UBND TPHCM về việc giao hướng dẫn nhà đầu tư thủ tục lập đề xuất tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm TPHCM với huyện Cần Giờ theo hình thức đối tác công tư.

Theo Sở Giao thông Công chánh TPHCM, về quy hoạch và định hướng phát triển huyện Cần Giờ, việc đề xuất tham gia nghiên cứu sơ bộ phương án đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao (metro) kết nối trung tâm TPHCM với huyện Cần Giờ của Tập đoàn Vingroup là có cơ sở xem xét.

Theo điểm a, khoản 1, Điều 27 Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, Tập đoàn Vingroup (nhà đầu tư) đã gửi văn bản đề xuất thực hiện dự án PPP đến UBND TPHCM. Theo quy định tại khoản 2, Điều 5 và điểm c, khoản 3 ban hành kèm theo Quyết định số 04/2024/QĐ-UBND ngày 26/1/2024 của UBND TPHCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) là đầu mối tiếp nhận văn bản đề xuất thực hiện dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất và tham mưu UBND TPHCM xem xét chấp thuận hoặc không chấp thuận giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP.

Một góc của huyện Cần Giờ, TPHCM - Ảnh: Sơn Vinh
Một góc của huyện Cần Giờ, TPHCM - Ảnh: Sơn Vinh

Do đó, Sở Giao thông Công chánh TPHCM kiến nghị UBND TPHCM giao Sở Tài chính TPHCM chủ trì hướng dẫn nhà đầu tư thủ tục lập đề xuất dự án tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ theo hình thức đối tác công tư và tham mưu UBND TPHCM xem xét, quyết định giao nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định.

Theo đề xuất của Tập đoàn Vingroup, metro kết nối trung tâm TPHCM với huyện Cần Giờ có hướng tuyến xuất phát từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Phục Man), tuyến đi theo giải phân cách giữa đường Nguyễn Văn Linh.

Đến nút giao với đường Nguyễn Lương Bằng, tuyến rẽ trái và đi giữa theo đường Nguyễn Lương Bằng, đường 15B, đường D1, vượt Rạch Đĩa sang khu tái định cư Hồng Lĩnh - Nhà Bè. Sau đó đi thẳng theo đường số 11 khu tái định cư Vạn Phát Hưng - Nhà Bè.

Sau khi vượt sông Soài Rạp, tuyến đi song song với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến đường Rừng Sác thì rẽ phải và đi bám theo đường Rừng Sác đến cuối tuyến.

Về quy mô, tuyến có tổng chiều dài 48,5km đi trên cao, bao gồm 2 ga (ga Tân Phú và ga Cần Giờ), 1 depot dự kiến đặt tại khu đất 39ha, Long Hòa, Cần Giờ, 1 depot dự kiến đặt tại khu đất 20ha, phường Bình Thuận, quận 7. Hình thức đầu tư BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành).

Vũ Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI