Đề xuất cơ chế tài chính đặc thù cho TP.HCM

08/02/2016 - 07:39

PNO - Bộ Tài chính đang dự thảo một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và TP.HCM.

Theo dự thảo, Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi khác của Chính phủ cho TP. Hồ Chí Minh.

Đối với TP.HCM hàng năm, nếu tổng thu ngân sách trung ương tăng so với dự toán Quốc hội quyết định và thu ngân sách trung ương trên địa bàn tăng so với dự toán giao cho thành phố, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định mức thưởng và bổ sung có mục tiêu từ số tăng thu ngân sách Trung ương.

De xuat co che tai chinh dac thu cho TP.HCM
Bộ Tài chính đang dự thảo một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với TP.HCM.

Hàng năm, nếu số thực hiện thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố tăng so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, ngân sách thành phố được thưởng một phần, nhưng không quá 30% số tăng thu này và không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.

Thành phố cũng sẽ được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương một phần không quá 70% tổng số tăng thu ngân sách Trung ương, so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố còn lại (sau khi thực hiện thưởng vượt thu) và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100%; số bổ sung có mục tiêu không cao hơn số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.

Dự thảo của Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi khác của Chính phủ cho TP.HCM.

Ngoài nguồn vốn huy động cho các dự án, công trình thuộc đối tượng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách; đối với các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có khả năng thu hồi vốn, UBND thành phố quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định việc huy động đầu tư theo các hình thức: BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành), BT (xây dựng - chuyển giao) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

De xuat co che tai chinh dac thu cho TP.HCM
Ảnh minh họa.

UBND thành phố được quyền quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại cho Thành phố không phụ thuộc vào quy mô viện trợ; riêng đối với các khoản viện trợ có liên quan đến tôn giáo, quốc phòng, an ninh, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định;

Chủ tịch UBND thành phố chịu trách nhiệm thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ này, thực hiện chế độ hạch toán, quyết toán theo đúng quy định của pháp luật; định kỳ báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư để theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo, UBND thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm tiếp tục củng cố, phát triển "Công ty đầu tư tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh" và các quỹ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Qua đó để huy động sự tham gia đóng góp của các thành phần kinh tế, các tổ chức và cá nhân cho ngân sách thành phố, nhằm tăng cường khả năng thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển thành phố.

Ngoài ra, đối với Hà Nội, Bộ Tài chính đề xuất một số quy định về huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển thủ đô.

Cụ thể, Nhà nước ưu tiên đầu tư về ngân sách và các nguồn tài chính khác nhằm phát triển kinh tế - xã hội để Hà Nội thực hiện vai trò trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.

Phương Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI