Đề xuất chính sách, giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp

05/12/2024 - 16:44

PNO - Ngày 5/12, Ban Công tác phía Nam, Hội LHPN Việt Nam tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm trong kết nối hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp của Hội LHPN các tỉnh, thành phía Nam”.

Toạ đàm thu hút 350 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo từ các Bộ, ngành Trung ương, cùng các sở, ngành, Hội LHPN các tỉnh, thành phố, Hội Nữ doanh nhân TPHCM, Cần Thơ và một số nữ chủ doanh nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp thành công tại điểm cầu chính (60 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) và 20 điểm cầu tại các tỉnh, TP phía Nam.

Quang cảnh tọa đàm
Quang cảnh tọa đàm

Trong buổi tọa đàm, các đại biểu đã được xem phóng sự về kết quả đạt được trong công tác hỗ trợ, kết nối phụ nữ khởi nghiệp ở khu vực phía Nam giai đoạn 2017-2023; đồng thời nghe các tham luận chia sẻ những kinh nghiệm kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN các tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Trần Thị Huyền Thanh - Trưởng ban Công tác phía Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam - cho biết: Sau khi đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (đề án 939) được ban hành, tại các tỉnh phía Nam, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu các tỉnh, thành và bố trí nguồn ngân sách để thực hiện đề án.

Qua 6 năm triển khai, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp phù hợp nhu cầu của phụ nữ. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đa dạng cả về nguồn lực, kỹ thuật và trên các lĩnh vực, vượt ra ngoài phạm vi các ngành nghề truyền thống; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng với tình hình mới.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, phụ nữ khu vực phía Nam vẫn gặp phải nhiều rào cản trong quá trình khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là về tiếp cận vốn, kỹ năng quản lý và môi trường kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn còn thấp và phần lớn có quy mô nhỏ, hạn chế trong việc tham gia chuỗi giá trị. Mặc dù các quy định pháp lý liên quan đến doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã được thể hiện đầy đủ và tuân thủ các cam kết quốc tế về bình đẳng giới, nhưng hiệu quả thực hiện trên thực tế vẫn còn hạn chế…

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội, chuyên gia kinh tế thông tin nhiều thành tựu đáng kể trong việc thúc đẩy phụ nữ tham gia khởi nghiệp tại các tỉnh phía Nam sau khi triển khai đề án 939.

Điểm nổi bật nhất là tỷ lệ phụ nữ tham gia khởi nghiệp đã tăng 15% so với giai đoạn trước khi triển khai đề án, con số này phản ánh một sự thay đổi tích cực về nhận thức và hành động của phụ nữ trong việc bắt đầu khởi nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Lộc cũng nhấn mạnh rằng thách thức và khó khăn trong hoạt động khởi nghiệp của phụ nữ vẫn là vấn đề đáng lưu ý, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam Việt Nam và chủ yếu đến từ ba yếu tố chính: khó khăn trong tiếp cận vốn, thiếu kỹ năng quản lý và môi trường kinh doanh.

Về hàm ý chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, ông Lộc đưa ra một số đề xuất quan trọng. Để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp công bằng và toàn diện cho phụ nữ tại các tỉnh phía Nam, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trọng tâm là cải thiện khả năng tiếp cận vốn thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi và quỹ hỗ trợ riêng cho nữ doanh nhân.

Đồng thời, cần tăng cường đào tạo kỹ năng quản lý và phát triển mạng lưới hỗ trợ chuyên biệt. Việc cải thiện môi trường pháp lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng rất quan trọng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ trong kinh doanh. Cuối cùng, xây dựng cơ sở dữ liệu về nữ doanh nhân sẽ giúp hoạch định chính sách hiệu quả hơn.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội - nêu ý kiến

Còn theo bà Châu Hồng Anh - Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nữ Doanh nhân TPHCM - chia sẻ rằng phụ nữ khởi nghiệp hiện nay đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là trong các yếu tố như thị trường, tài chính, quy trình và nhân sự. Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ số và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh mang lại cả cơ hội và thách thức mới, buộc các doanh nghiệp phải thích ứng nhanh chóng để không bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, bà cho rằng yếu tố quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh và tầm nhìn của người chủ doanh nghiệp, đặc biệt là phụ nữ. Mặc dù các yếu tố bên ngoài có thể thiếu, nhưng nếu có nội lực, chất xám, chí hướng và quyết tâm, những người phụ nữ khởi nghiệp sẽ quyết định thành công của doanh nghiệp.

Lời khuyên của bà dành cho phụ nữ khởi nghiệp là phải yêu thương bản thân, tập trung vào học hỏi và phát triển bản thân, đồng thời cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Doanh nghiệp cần mang lại giá trị chung cho xã hội, cũng như cân bằng được các yếu tố nhân văn, môi trường, pháp luật thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững.

N.T.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI